(TITC) - Mỗi khi Tết đến xuân về, hoa đào đua nhau khoe sắc, du khách thập phương lại nô nức viếng thăm những điểm du lịch tâm linh để cầu lộc đầu xuân với mong ước gặp nhiều may mắn trong năm mới. Một trong những điểm đến thu hút du khách là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Trần Thương (thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Từ TP. Phủ Lý, theo tỉnh lộ 483 về phía đông khoảng 20km, du khách sẽ đến đền Trần Thương.
|
Đền tọa lạc trên gò Miễu với thế “Hình nhân bái Tướng” (ở giữa là một gò nổi tựa mai rùa, hai bên tạo thành hai tay ngai), thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Trần Thương là miền đất trù phú như câu thơ tả cảnh được khắc trên bức châm tại đền: “Đất Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” (đất Trần Thương lắm phúc, hoa trái nở bốn mùa). Nơi đây còn là điểm giao của “Lục đầu khê” (6 con mương) nên rất thuận lợi về giao thông đường thủy, có thể ra sông Châu (Hà Nam), ra sông Hồng rồi qua Phố Hiến (Hưng Yên) để ngược lên Thăng Long (Hà Nội ngày nay) hoặc xuống cửa Tuần Vường (ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý) ra biển. Bằng nhãn quan của một nhà quân sự lỗi lạc, Trần Hưng Đạo (1232-1300) đã chọn khu vực này để cất giữ lương thảo, khí giới phục vụ quân đội trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285). Sau khi cuộc chiến giành thắng lợi, Trần Hưng Đạo đã trở về điểm đặt kho lương chính (Trần Thương) để cắm sinh phần, miễn tô thuế cho dân. Với công đức to lớn, khi ông mất, người dân địa phương đã lập đền thờ trên vị trí kho lương chính và tôn ông làm Đức Thánh Trần. Hiện xã Nhân Đạo vẫn còn những tên cổ gắn với quân đội nhà Trần như Trần Thương, Đội Xuyên, Khu Mật, Hoàng Xá… Đặc biệt, xung quanh khu vực đền Trần Thương đã tìm thấy nhiều mảnh bát, đĩa bằng gốm sứ men nâu, vàng cùng nhiều vỏ chóe hoa than với họa tiết trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Trần.
Đền Trần Thương có kiến trúc kiểu “Tứ thủy quy đường”, gồm các công trình chính: nghi môn ngoại, nghi môn nội, cung Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai dãy giải vũ. Xung quanh đền bố trí nhiều tiểu cảnh trồng cây xanh nhằm tạo không gian thanh tịnh, thoáng mát.
Mang kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái với các góc đao uốn cong, nghi môn ngoại gồm 3 cửa: cửa chính (lớn) nằm giữa và hai cửa phụ (nhỏ) nằm hai bên. Tầng dưới cửa chính uốn hình vòm cuốn, trang trí họa tiết hoa sen, hoa cúc... Tầng trên cũng uốn hình vòm cuốn nhưng nhỏ hơn, bên trong đặt một quả chuông. Hai bên cổng phụ có đắp nổi đôi ngựa rất đẹp.
Nối với nghi môn ngoại là con đường lát gạch đỏ dẫn vào nghi môn nội và sân đền. Trong khu vực sân đền có hai giếng nước được kè đá xanh. Qua sân đền là cung Đệ nhất gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chồng rường, hai đầu xây bít đốc dật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trước gian giữa cung Đệ nhất có tòa cổ lâu 2 tầng, bên trong đặt một đỉnh hương bằng đá, trên mái treo bức đại tự “Phong vân trường hộ”. Cung Đệ nhị được xây dựng cao hơn cung Đệ nhất, gồm 5 gian, mái lợp ngói ống, trên bờ nóc hai đầu hồi đắp hai con rồng lớn. Nằm kế tiếp cung Đệ nhị là cung Đệ tam với 5 gian, mái lợp ngói ống, trước mặt là dãy cửa bức bàn sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tại gian giữa của cung Đệ Tam đặt bức tượng thờ Trần Hưng Đạo. Nối hai đầu hồi của 3 cung là hai dãy giải vũ (mỗi dãy 3 gian) tạo thành hai hành lang thông từ cung Đệ nhất đến Đệ tam.
Bên cạnh kiến trúc đặc sắc, đền Trần Thương hiện vẫn còn lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị như hương án, sập thờ bằng đá, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, bát đĩa, chén đôn…, đặc biệt là chiếc kiếm bạc có vỏ bằng chất liệu đồi mồi quý hiếm. Kiếm được cất giữ cẩn thận, chỉ mang ra thờ vào những dịp lễ hội.
Hàng năm, từ ngày 18 - 20/8 âm lịch, Ban Quản lý đền lại tổ chức lễ hội đền Trần Thương nhằm tri ân công đức to lớn của Đức Thánh Trần, đồng thời phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Lễ hội gồm hai phần. Phần lễ có các nghi thức như: lễ rước kiệu, dâng hương, tế lễ… trong đó lễ “diễn xướng Thanh Đồng” và rước nước là những lễ nghi đặc trưng với ý nghĩa tôn vinh công lao, tài, đức của Đức Thánh Trần; đồng thời cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, “phong đăng, hòa cốc”, “quốc thái, dân an”. Phần hội gồm nhiều trò chơi mang đậm màu sắc văn hóa dân gian truyền thống như đánh cờ tướng, bơi chải, đi cầu kiều, tổ tôm điếm, kéo co, bịt mắt đập niêu, bắt vịt dưới nước,... Trong đó, thi đấu cờ tướng là một hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa nhằm tái hiện tài thao lược quân sự của Trần Hưng Đạo.
Ngoài lễ hội truyền thống, vào giờ Tý ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, Ban Quản lý đền Trần Thương còn tổ chức Lễ phát lương để ban lộc đầu xuân của Đức Thánh Trần cho nhân dân và du khách thập phương; đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ con cháu biết xây dựng những kho lương để đề phòng khi có binh biến.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của di tích, năm 2009, Bộ VHTTDL đã phê duyệt quy hoạch tổng thể và chi tiết di tích lịch sử văn hóa đền Trần Thương giai đoạn 2009-2015 với 5 khu chức năng chính trên diện tích 100ha, gồm: khu vực bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa đền Trần Thương, đình Tróc, chùa Di, đền Khu Hoàng; khu du lịch thương mại; khu du lịch sinh thái; khu vực lễ hội và khu các trò chơi dân gian.
Cũng vào dịp lễ hội, du khách có thể hành hương chiêm bái theo lộ trình đền Kiếp Bạc (Hải Dương) - đền Trần Thương (Hà Nam) - đền Bảo Lộc (Nam Định) để cầu Đức Thánh Trần ban cho nhiều phước lành và may mắn; đồng thời tìm hiểu về mối liên hệ khăng khít giữa 3 ngôi đền cũng như câu “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc” lưu truyền trong dân gian. Chữ “sinh Kiếp Bạc” có nghĩa là “sống”. Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là vùng đất “rồng chầu hổ phục”, nơi Trần Hưng Đạo đã chọn để tập hợp quân sĩ chống giặc Nguyên-Mông và lui về sống những ngày cuối đời. “Thác Trần Thương” là ý nói Trần Hưng Đạo đã “gửi” ở Trần Thương một sinh phần sau khi cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông giành thắng lợi. Theo sách “Nam Định tỉnh dư địa chí” của Ngô Giáp Đậu thì làng Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) là nơi lập ấp của An Sinh Vương Trần Liễu - thân sinh Trần Hưng Đạo. Vì vậy, “quê hương Bảo Lộc” nói đến vùng đất mà Trần Hưng Đạo được sinh ra và lớn lên. Ở cả 3 địa danh này, người dân địa phương đều lập đền thờ ông.
|
Thanh Hải