Theo nhận định của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hầu hết các đô thị hạt nhân giữ vai trò là động lực cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh đều thuộc các khu vực ven biển.
Trong Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đô thị mới ven biển sẽ được ưu tiên phát triển với số lượng tăng khoảng 70 đô thị tính đến năm 2025 và 130 đô thị tính đến năm 2050, trong đó mô hình khu đô thị du lịch sinh thái hướng biển được quan tâm đầu tư.
|
Tiến sỹ-kiến trúc sư Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng cho rằng, lợi thế để Việt Nam xây dựng mô hình khu đô thị du lịch sinh thái hướng biển là cả nước có hơn 125 bãi tắm lớn và nhỏ, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển tại các địa phương nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, rất thích hợp cho tắm biển và các hoạt động vui chơi giải trí trên biển. Nhờ đó, hàng trăm khu nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang được xây dựng với những bản sắc dân tộc độc đáo, tập trung nhiều nhất là khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ.
Các đô thị vừa và nhỏ ven biển của Việt Nam đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Hiện trong quá trình đầu tư và định hướng quy hoạch, nhiều giải pháp đã được đặt ra nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tạo nhiều không gian đô thị gần gũi với thiên nhiên, đảm bảo môi trường sinh thái sạch và đẹp. Tiêu biểu như các đô thị nghỉ mát Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cửa Đại, Đồng Hới, Nha Trang, Mũi Né-Phan Thiết, Vùng Tàu và Hà Tiên...
Phổ biến nhất là các khu sinh thái ven biển có những bãi cát đẹp, phong cảnh hữu tình và có quỹ đất phát triển, thuận lợi kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Nhiều khu du lịch nằm trên đất thuộc xã, huyện có khoảng cách không xa thành phố, nhưng được đầu tư cao cấp như khu du lịch sinh thái Ninh Vân-Khánh Hòa, khu du lịch Hòn Ông, khu Đại Lãnh thuộc vịnh Vân Phong...
Những năm gần đây một số đô thị Hải Phòng, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Rạch Giá... phát triển nhiều khu du lịch lấn biển. Bằng phương pháp nhân tạo, những địa phương này đang đầu tư tạo dựng nên một hệ sinh thái đô thị mới. Đây là phương pháp tạo lập thêm quỹ tài nguyên phát triển đô thị du lịch ven biển, song nếu như các dự án không đánh giá một cách đầy đủ những tác động trong vùng liên quan sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu bền vững đối với các khu vực gần cửa sông, đầm phá.
Về đô thị sinh thái biển, đảo thì có thể xem Cát Bà-Quảng Ninh là mô hình điển hình hiện nay. Trên cơ sở tiềm năng sinh thái của đảo vừa có vườn quốc gia, vừa gắn với quần thể di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long, Tổng công ty Vinaconex đã và đang đầu tư xây dựng Khu đô thị biển, đảo Cát Bà, bao gồm hệ thống biệt thự, khách sạn cao cấp, các loại hình vui chơi, khám phá biển độc đáo.
Khu du lịch sinh thái biển, đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang cũng đang được quy hoạch với quy mô lớn và đồng bộ, với đầy đủ cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển và nhiều khu sinh thái đặc biệt trên đảo.
Khu du lịch Côn Đảo vừa bảo tồn di tích cách mạng, bảo tồn hệ sinh thái hoang sơ, vừa phát huy giá trị khai thác du lịch sinh thái biển, đảo. Những khu đô thị du lịch sinh thái hướng biển này đã trở thành những “điểm đến” hấp dẫn, góp phần tạo nên thương hiệu cho ngành du lịch Việt Nam.