Cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, hội nhập khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, văn hóa và du lịch Bạc Liêu trong những năm gần đây đã có bước tiến mạnh mẽ, thu hút đáng kể lượng du khách đến với Bạc Liêu. Thực tế này đang đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ cho sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với sự nghiệp phát triển du lịch.
Giữa văn hóa và du lịch từ lâu đã có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ: bản sắc văn hóa dân tộc là nguồn lực cho hoạt động du lịch và du lịch là một hình thức của hoạt động giao lưu văn hóa. Du lịch là cầu nối giữa các bộ phận dân cư thuộc các nền văn hóa, các vùng miền khác nhau, đồng thời tạo lập mối quan hệ trong cuộc sống giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của mỗi địa phương, dân tộc.
Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận vừa có ý nghĩa thực tiễn cấp bách tạo diện mạo mới như bức thông điệp về “đất và người Bạc Liêu” văn minh, thanh lịch, hiện đại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày nay, văn hóa đang trở thành một nhân tố kết tinh tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế. Thông thường người ta hay đề cập đến các cụm từ như: văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa đô thị, văn hóa kinh doanh, văn hóa môi trường, văn hóa giao thông… để xác định cấp độ phát triển hay so sánh sự tiến bộ, lạc hậu. Sự phát triển của mỗi quốc gia không phải chỉ ở tài nguyên thiên nhiên giàu có, đa dạng mà quyết định ở sự năng động, sáng tạo, trí tuệ, tài năng, đạo đức của con người, ở trong hàm lượng phân bố tài nguyên tri thức ít hay nhiều… Yếu tố nền tảng của văn hóa ở đây là sự hiểu biết, là tri thức, kinh nghiệm và sự khôn ngoan tích lũy được trong quá trình học tập, lao động, đấu tranh để duy trì và phát triển cuộc sống con người. Muốn đạt được mục tiêu phát triển du lịch truyền thống và hiện đại, cần phải có sự hiểu biết về tri thức, kinh nghiệm, khoa học; đồng thời, phải biết phát huy các giá trị của truyền thống văn hóa “cốt cách của người Bạc Liêu” trong cách ăn, cách mặc, học hành, nói năng… Nhân tố nền tảng này nếu được khai thác và biết cách phát huy thì sẽ trở thành một động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
Bên cạnh sự phát triển của văn hóa thì du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội được xác định là trọng tâm, là động lực phát triển phổ biến của nhiều tỉnh, thành, quốc gia. Ngày nay, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Du lịch đã khẳng định được vai trò to lớn trong nền kinh tế quốc dân như một ngành “công nghiệp không khói”.
Có thể nói, văn hóa là nguồn tài nguyên chủ yếu của du lịch. Môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa, nhân văn có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố cơ sở cho phát triển du lịch. Du lịch sinh thái, du lịch cảnh quan và du lịch văn hóa - lịch sử đang trở thành những loại hình du lịch chủ yếu trong xu thế phát triển của ngành du lịch. Du lịch vừa là ngành dịch vụ, vừa là ngành sản xuất, vừa tiêu thụ sản phẩm của chính mình. Văn hóa là chìa khóa thành công trong sự nghiệp, tương lai. Trong điều kiện tỉnh còn nghèo, kinh tế chưa phát triển, lòng hiếu khách, vẻ thanh lịch, sự tự tin trong giao tiếp, ứng xử đối với khách là điều rất cần thiết. Vì vậy, những người làm du lịch phải hình thành cho mình một phong cách giao tiếp, ứng xử mang cốt cách Bạc Liêu, nghĩa là mến khách, hào hiệp, phóng khoáng, lịch thiệp, tôn trọng những nhu cầu chính đáng của khách.
Văn hóa là nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đặc sắc có thể tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách du lịch, là nguồn tài nguyên chủ yếu của du lịch hiện nay. Du lịch văn hóa đang trở thành một loại hình du lịch phổ biến và có hiệu quả cao. Hoạt động du lịch cũng có những tác động trở lại đối với văn hóa. Du lịch chính là cầu nối để thúc đẩy trao đổi, giao lưu giữa các dân tộc, quốc gia, cộng đồng với nhau; đồng thời, du lịch chính là động lực góp phần vào phát triển, giữ gìn bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc và nét văn hóa đẹp của Bạc Liêu hiện cần được giữ gìn, phát huy đúng mức.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu.
Muốn du lịch phát triển bền vững, yếu tố văn hóa là một trong những điều kiện không thể thiếu được. Bởi vì các giá trị văn hóa trong các tour du lịch, các điểm du lịch đã làm tăng các giá trị thấm sâu vào môi trường sống, sinh hoạt, quan hệ cộng đồng, cá nhân của du khách cảm nhận một môi trường lành mạnh, bình yên, có sự độc đáo thưởng thức khám phá được nhiều cái đẹp, cái hay, cái bất ngờ, khách giữ lâu ấn tượng về sự quyến rũ của nghệ thuật, sự cám dỗ của cảnh quan danh thắng, sự ngọt ngào đậm đà của các món ăn, khách được thưởng thức những câu vọng cổ, điệu hò Bạc Liêu, điệu múa lâm thôn,… đậm chất trữ tình, sâu lắng. “Tiếng lành đồn xa” để du khách khát khao được khám phá danh lam thắng cảnh, di tích đền đài, lịch sử - văn hóa… Và trên hết, thiết tha đến với đất và người Bạc Liêu nghĩa tình.