Hàng mỹ nghệ tìm cách thâm nhập thị trường Nhật
Cập nhật: 16/01/2013
Ngày 15/1, Văn phòng Cục xúc tiến Thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh (VIETRADE) đã phối hợp cùng Trung tâm xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản (AJC) tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực thiết kế và tiếp cận thị trường Nhật Bản cho hàng thủ công mỹ nghệ - trang trí nội thất của Việt Nam".

Theo Ông Hiroshi Sakamoto, Chuyên gia về hàng trang trí nội thất của AJC, tình hình sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam vào Nhật Bản đã có bước tiến bộ đáng kể, nhờ giao thương giữa hai nước được tăng cường và mở cửa thị trường trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế (VJEPA).

Tuy nhiên, thị trường thủ công mỹ nghệ tại Nhật Bản vẫn có những đặc điểm riêng, do đặc thù văn hóa truyền thống với xu hướng tiêu dùng hiện đại, nên doanh nghiệp Việt Nam chưa tìm hiểu rõ về thị trường, dẫn đến thực tế là số lượng doanh nghiệp thành công chưa tương xứng với tiềm năng.

Doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục những vấn đề về thiết kế, phương pháp tiếp thị… nhằm thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng của người Nhật mới có thể chinh phục được thị trường khó tính nhưng giàu tiềm năng này.

Bên cạnh đó, một số nhà xuất khẩu cho biết: Các đơn vị sản xuất và kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam cần chú trọng tìm hiểu kỹ hơn về đặc điểm của thị trường, từ kích thước, kiểu dáng phù hợp với khí hậu, văn hóa, tập quán sinh hoạt, độ tuổi, mức thu nhập của khách hàng cho đến những yêu cầu thời trang, kết hợp với ý tưởng độc đáo để sản phẩm có số lượng không lớn nhưng giá trị tăng cao. Đồng thời, việc xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cần phải bắt đầu từ cải tiến mẫu mã, nắm vững hệ thống phân phối, quy định về pháp lý, giá cả thị trường.

Ngoài ra trong năm 2013, các chuyên gia dự báo xu thế tất yếu là những loại hàng hóa có tính thực dụng cao, giá thành hợp lý sẽ được thị trường chấp nhận và hấp dẫn khách hàng; sản phẩm phải vừa có tính trang trí vừa có tính sử dụng, nếu chỉ thuần tính để trang trí sẽ bị thu hẹp dần.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 1,6 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành mây tre lá đạt 530 triệu USD (chiếm tỷ trọng 33%); ngành gốm sứ đạt 480 triệu USD (chiếm tỷ trọng 30%); ngành dệt thủ công đạt 270 triệu USD (chiếm tỷ trọng 17%); gỗ chạm khảm và gia dụng đạt 130 triệu USD (chiếm tỷ trọng 8%) và các nhóm ngành khác đạt 190 triệu USD (chiếm tỷ trọng 12%).

Vietnam+