Phát triển hệ thống xe buýt nhanh là một trong 5 hợp phần của “Dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng”. Báo cáo khả thi và thiết kế hợp phần phát triển thí điểm hệ thống xe buýt nhanh - Bus Rapid Transit (gọi tắt là BRT) đã hoàn thành, đang trình UBND thành phố phê duyệt và sẽ triển khai vào đầu tháng 3/2013.
Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng, đơn vị điều hành dự án cho biết, theo thiết kế, mạng lưới BRT thí điểm gồm 4 tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu người dân thành phố và khách tham quan du lịch. Dự án có tổng vốn đầu tư 50,2 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 41,4 triệu USD, vốn đối ứng của thành phố 8,8 triệu USD. Dự án sẽ đầu tư 81 xe buýt tiêu chuẩn chất lượng cao và thành phố chỉ trợ giá cho người có thu nhập thấp.
Đối với tuyến BRT số 1, sẽ tổ chức cho xe buýt BRT chạy trên làn đường riêng tại các đoạn tuyến có mặt cắt ngang lớn hơn 48m, các vị trí nhà ga đón trả khách được bố trí trên dải phân cách giữa, bề rộng làn xe chạy riêng là 3,5m. Tại các đoạn tuyến có mặt cắt ngang nhỏ hơn 48m, xe buýt BRT chạy chung với các phương tiện khác trên đường. Các vị trí nhà ga đón trả khách được bố trí trên vỉa hè hai bên. Tốc độ kỹ thuật từ 30km/giờ đến 35km/giờ. Giãn cách chạy xe bình quân trong giờ cao điểm từ 3 đến 5 phút/chuyến, ngoài giờ cao điểm là 6 đến 10 phút/chuyến.
Đối với 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn BRT phục vụ cho các điểm đến du lịch sẽ tổ chức vận hành đi chung với các phương tiện giao thông khác. Giãn cách chạy xe bình quân trong giờ cao điểm 10 đến 15 phút/chuyến, ngoài giờ cao điểm là 20 phút/chuyến.
Ông Phan Phúc, Phó trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cho rằng: “Để chuẩn bị cho hệ thống BRT đi vào hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân hình thành hệ thống xe buýt thường, giúp thu gom khách về các nhà ga đón trả khách. Đồng thời, người dân thành phố cũng dần chuyển đổi thói quen và nhận thức khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng”.
Một đề xuất khác từ Công ty Tư vấn Sinclair Knight Merz Pty Ltd (Úc) là thành phố phải có một chiến lược truyền thông về xe buýt BRT để thu hút lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng và sự hưởng ứng tham gia của người dân.
- Tuyến BRT số 1: Từ Khu Công nghiệp Hòa Khánh→ khu vực Trường Cao đẳng Việt Hàn. Lộ trình tuyến đi trên các đường Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến và Trần Đại Nghĩa.
- 3 tuyến xe buýt có dịch vụ tiêu chuẩn BRT:
+ Tuyến số 1: Từ Công viên 29/3→Hội An. Điểm đầu từ Công viên 29/3 qua đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Linh, cầu Rồng, Ngô Quyền, Ngũ Hành Sơn, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong (thành phố Hội An).
+ Tuyến số 2: Từ Công viên 29/3 → Sơn Trà. Điểm đầu từ Công viên 29/3 đi qua đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Trần Thị Lý, Ngô Quyền, Yết Kiêu và Lê Đức Thọ.
+ Tuyến số 3: Từ sân bay → Bà Nà. Điểm đầu sân bay Đà Nẵng đi qua đường Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Âu Cơ và 602 đến Khu du lịch Bà Nà.
|
Với quy mô dân số hiện nay khoảng 950 ngàn người, trên thực tế, giao thông công cộng của Đà Nẵng hiện tại chưa phải là sự lựa chọn tối ưu của người dân. Đã nhiều năm nay, hệ thống xe buýt của thành phố chỉ tồn tại mà không phát triển mở rộng. Ngoài ra, việc thành phố chủ trương không trợ giá xe buýt cũng khiến các nhà xe phải cân đối thu chi, bảo đảm chi phí mới tổ chức tuyến chạy. Những tuyến quá ngắn, ít khách trong nội thành không thể hình thành. Như vậy, mục tiêu phát triển hệ thống giao thông công cộng để giảm tải lưu lượng ở những khu vực đông đúc vẫn chưa đạt được.
Nhưng trong vài năm tới, việc gia tăng dân số cơ học và mua sắm ô-tô đi lại của cá nhân sẽ dẫn đến khả năng tắc nghẽn giao thông và thiếu chỗ đậu xe. Hệ thống xe buýt BRT thí điểm ra đời vào đầu năm 2016 sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển xã hội hóa cả hệ thống xe buýt thường trên toàn thành phố và cung cấp thêm một dịch vụ giao thông hấp dẫn cho ngành du lịch.