Ngày 9/1/2013, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký Quyết định sô 88/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa (nhá hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật) giai đoạn 2012-2020. Tổng số vốn đầu tư cho Đề án dự kiến khoảng 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỷ đồng, các nguồn huy động khác là 4.300 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án là hoàn thiện hệ thống các công trình văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn. Từng bước xây dựng một số công trình văn hóa có tầm cỡ, làm điểm nhấn ở các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch lớn với chức năng tổng hợp, gắn liền với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Cụ thể, đến năm 2020, tại các đô thị đặc biệt như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh xây mới một số công trình văn hóa có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; tại các đô thị trung tâm kinh tế - xã hội, đô thị loại I xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô phù hợp, hiện đại đủ điều kiện tổ chức sự kiện cho vùng và quốc gia; tại các đô thị loại II, III, và một số khu dân cư cạnh khu công nghiệp lớn, khu du lịch quốc gia xây dựng một số công trình văn hóa có từ 1 đến 3 chức năng (rạp, cụm rạp chiếu phim; rạp hát; nhà triển lãm).
Về quy hoạch cụ thể, sẽ nâng cấp cải tạo, đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật 20 công trình nhà hát đã xuống cấp, hư hỏng; xây mới 11 nhà hát có quy mô 2.000 đến 2.500 ghế, 40 nhà hát có quy mô từ 1.000 đến 2.000 ghế.
Xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô khoảng 1.500 ghế, có 8-10 phòng chiếu, đảm bảo có thể tổ chức liên hoan phim quốc tế và trong nước; ở các tỉnh, xây mới 55 rạp có 2 đến 6 phòng chiếu, quy mô từ 500 đến 1.000 ghế; nâng cấp, cải tạo 49 công trình rạp chiếu phim xuống cấp, hư hỏng.
Đầu tư nâng cấp nhà triển lãm văn học nghệ thuật Việt Nam hiện có tại Hà Nội với quy mô có thể tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế, diện tích khoảng 24.000m² sàn xây dựng, xây mới 1 công trình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại các tỉnh, xây mới 34 công trình nhà triển lãm văn học nghệ thuật có quy mô từ 1.000 đến 4.000m² sàn xây dựng và đầu tư, nâng cấp 30 công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp.
Bên cạnh đó, Đề án cũng đề cập đến việc đầu tư các trang thiết bị khác như: trang thiết bị cho đội chiếu bóng lưu động, trang thiết bị phục vụ biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật, nhà văn hóa ở tỉnh có quận, huyện hải đảo, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ trang thiết bị cho nhà triển lãm tư nhân tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Quyết định cũng đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện như: nhóm giải pháp về quản lý thực hiện, về nguồn vốn đầu tư, về chính sách đất đai; về cơ chế chính sách; về giải pháp và về quy hoạch.
Quyết định nêu rõ, quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa phải gắn với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước giai đoạn 2011-2020, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị các vùng, địa phương và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, nhất là các lĩnh vực văn hóa. Tổng số vốn đầu tư cho Đề án dự kiến khoảng 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 6.500 tỷ đồng, các nguồn huy động khác là 4.300 tỷ đồng./.