Triển lãm văn từ, văn chỉ của Thăng Long xưa và vùng phụ cận
Cập nhật: 25/01/2013
Sáng 24/1, Triển lãm văn từ, văn chỉ của Thăng Long xưa và các vùng phụ cận đã được khai mạc tại Nhà Tiền đường khu Thái học, di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 130 hình ảnh về các văn từ, văn chỉ cổ của Hà Nội và các vùng phụ cận như: Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng... cùng hàng trăm hiện vật Nho học.

Hình ảnh các văn từ được trưng bày tại đây thường là một nhà 3 gian, 2 chái hay 1 đến 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà 5 gian hoặc các văn từ là bệ thờ lộ thiên. Đó là văn từ Vĩnh Trụ (Hà Nam); văn từ huyện Duy Tiên (Hà Nam); văn từ xã Lãng Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình)…

Văn chỉ có quy mô nhỏ hơn, giảm dần từ cấp phủ, huyện, đến cấp thôn, làng. Đó là văn chỉ huyện Từ Liêm (Hà Nội), văn chỉ Nhật Tảo (huyện Từ Liêm); văn chỉ thôn Cầu Rãnh (Bắc Ninh). Đặc biệt, trong số các hình ảnh văn từ, văn chỉ được trưng bày có thác bản (bản dập) bia trụ văn chỉ làng Nguyệt Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Người xem cũng bị cuốn hút bởi các hiện vật của nền giáo dục Nho học thủa xưa như hòm đựng sắc phong, ống quyển, quán tảy (vật dùng để tế lễ), ván khắc sách, bộ từ điển Khang Hy, gánh sách, bút lông, nghiên mực, thủy trùy...

Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định: "Với hàng trăm hình ảnh, hiện vật, bia ký; triển lãm mang đến cho công chúng những thông điệp mới trong việc bảo lưu truyền thống dân tộc: Hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các văn từ, văn chỉ và cũng là bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc".

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 25/2.

Vietnam+