(TITC) - Tối 25/2, lễ đón bằng công nhận Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di tích Quốc gia đặc biệt và 82 bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu Thế giới đã được tổ chức long trọng tại Nhà Thái Học, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Tới dự buổi lễ có đồng chí Phạm Quang Nghị-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hoàng Tuấn Anh-Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Nguyễn Thế Thảo-Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội cùng đông đảo quan khách quốc tế, công chúng Thủ đô…
Được khởi dựng vào năm 1070, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là di tích gắn liền với sự thành lập của kinh đô triều Lý, đã có lịch sử gần nghìn năm, tiêu biểu cho Hà Nội và cũng được coi là biểu tượng cho văn hóa lịch sử Việt Nam, nơi thờ kính các bậc hiền triết của Nho giáo và Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An (1292-1370), người thầy đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam.
Trong quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có 82 tấm bia đá khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình thời nhà Hậu Lê và nhà Mạc (1442-1779), từ lâu đã được coi là một trong những di sản văn hóa vô giá của ông cha ta để lại. Giá trị của những tấm bia này trên nhiều mặt đã được các nhà khoa học của nhiều thế hệ khẳng định.
Thay mặt Chính phủ, Bộ VHTTDL, tổ chức UNESCO, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và bà Katherine Muller- Marin đã trao Bằng công nhận Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám là Di tích Quốc gia đặc biệt và Bằng công nhận 82 bia Tiến sĩ triều Lê-Mạc là Di sản Tư liệu Thế giới cho đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và Trung tâm Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
|
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng nhân dân Thủ đô Hà Nội, và khẳng định, việc Văn Miếu-Quốc Tử Giám được bảo vệ ở tầm quốc gia và quốc tế là một vinh dự và trách nhiệm to lớn của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Văn Miếu-Quốc Tử Giám là biểu tượng trường tồn, vĩnh cửu của tinh hoa văn hóa, giáo dục Việt Nam. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, bên cạnh niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao này, lãnh đạo, ngành văn hóa, giáo dục và từng người dân Thủ đô sẽ có sáng kiến, cách làm riêng để thanh niên Việt Nam hiểu hơn về truyền thống hiếu học, giữ nước, phát triển đất nước, phát triển quê hương.
Bày tỏ niềm tự hào khi được có mặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong buổi lễ này, bà Katherine Muller Marin khẳng định UNESCO ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di sản, và hi vọng Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực quảng bá rộng rãi các di sản này đến với cộng đồng quốc tế.
Với giá trị văn hóa và lịch sử đặc biệt, vào đầu tháng 3/2010, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến tháng 7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại được công nhận là Di sản tư liệu Thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
|
Thu Thủy