(TITC) - Trong khuôn khổ hội thảo “Thực hiện du lịch có trách nhiệm” diễn ra vào ngày 19/4 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Dự án EU và Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (TCDL) tổ chức, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã giới thiệu Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại biểu đến từ một số tỉnh thành, các cơ sở đào tạo du lịch, viện nghiên cứu, các đối tác quốc tế…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn đánh giá trong vài năm gần đây ngành Du lịch Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng khách khá tích cực, năm 2010 đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 34,8% so với năm trước; năm 2011 đón trên 6 triệu lượt, tăng 19,1% và năm 2012 đón trên 6,8 triệu lượt, tăng 13,8%. Năm 2012, tổng thu du lịch đạt 160 nghìn tỷ đồng, đóng góp hơn 5% GDP đất nước.
Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian qua đã có những tác động tiêu cực đến ngành Du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam. Bối cảnh đó đòi hỏi ngành Du lịch phải tìm ra các giải pháp phát triển bền vững và có trách nhiệm. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/1/2013 vừa qua là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch Việt Nam theo đúng quan điểm trong Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Theo TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch – đơn vị chủ trì xây dựng Quy hoạch, du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 37 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 10,3 tỷ USD vào năm 2015; 10,5 triệu lượt khách quốc tế và 47,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 18,5 tỷ USD vào năm 2020; và 18 triệu lượt khách quốc tế, 71 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 35,2 tỷ USD vào năm 2030.
Theo quy hoạch, Việt Nam được chia thành 7 vùng du lịch với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng; 46 khu du lịch quốc gia; 41 điểm du lịch quốc gia; 12 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước.
Để thực hiện những mục tiêu đó, quy hoạch đưa ra các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, vốn đầu tư, nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, tổ chức quản lý quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cũng đã giới thiệu nội dung cơ bản của quy hoạch phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, vùng Bắc Trung Bộ và vùng Tây Nguyên. Các quy hoạch vùng này sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ VHTTDL để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Bài: Truyền Phương; ảnh: Anh Dũng