(TITC) - Cồn Phụng là một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), cách trung tâm TP. Bến Tre 25 km theo đường sông.
Cồn Phụng có diện tích khoảng 50 ha, được hình thành do phù sa ở sông Tiền bồi đắp, là một trong bốn cồn nằm trên sông Tiền được người dân địa phương đặt tên theo quan niệm tứ linh với ý nghĩa mang đến điềm an lành hạnh phúc: Long (cồn Rồng hay cù lao Tân Long), Lân (cù lao Thới Sơn), Quy, Phụng.
Có tên là Phụng, theo tương truyền, vào khoảng đầu thế kỉ 20, khi ông Nguyễn Thành Nam (1909-1990) – người xã Phước Thịnh, tổng An Hòa, quận Trúc Giang, tỉnh Kiến Hòa (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) nhưng đã quy y cầu đạo tại chùa An Sơn ở Bảy Núi (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang), ra cồn cho xây dựng chùa Nam Quốc Phật, trong khi đang thi công công trình, thợ xây đã nhặt được một cái chén cổ có hình con chim Phượng, ông Nguyễn Thành Nam đã đặt ngay tên cồn là Phụng (nghĩa là Phượng). Ngoài ra, cồn còn có tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa. Tên này bắt nguồn từ việc sau khi công trình chùa Nam Quốc Phật hoàn thành, ông Nguyễn Thành Nam đã thành lập một giáo phái gọi là Đạo Dừa sinh sống bằng hoa tươi, trái ngọt (chủ yếu là dừa), chủ trương mang lại hoà bình.
Cồn Phụng được du khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ bởi lưu giữ di tích Đạo Dừa mà còn bởi phong cảnh thiên nhiên đậm chất miệt vườn Nam Bộ. Ngoài ra, đời sống sinh hoạt của cư dân nơi đây cũng là nét văn hóa độc đáo hấp dẫn du khách.
Cuộc sống của người dân trên cồn gắn liền với các nghề thủ công mỹ nghệ, trồng cây ăn trái, nuôi ong lấy mật từ hoa nhãn, đặc biệt là nghề sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu dừa. Ngoài sản phẩm kẹo dừa, với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ, người dân nơi đây đã biến những thứ tưởng chừng có giá trị thấp của cây dừa như gáo dừa, cọng, xơ, lá dừa,… thành những sản phẩm có mẫu mã phong phú, chất lượng tốt như: giỏ, đũa, thìa, chén, bát, lục bình, chân đèn, mặt nạ, khung ảnh, xe ba gác, tranh...
Đến đây, sau khi tìm hiểu quy trình của từng nghề, du khách còn có thể trực tiếp tham gia làm bất kỳ một sản phẩm nào cùng người dân địa phương, thưởng thức các món ăn dân dã đậm chất miền quê sông nước miệt vườn. Sau bữa ăn, du khách có thể ngả lưng trên những chiếc võng nằm dưới những tán cây xanh, tham gia các hoạt động như: câu cá sấu, chụp hình cùng đà điểu, đi trên cầu khỉ, xem biểu diễn đờn ca tài tử hoặc ngồi trên xe ngựa đi thăm vườn cây ăn trái...
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở Cồn Phụng, du khách còn có dịp tham quan nhiều kiến trúc đặc sắc, trong đó đáng chú ý là ngôi nhà gỗ mang kiến trúc truyền thống khu vực Nam Bộ; di tích Đạo Dừa (tọa lạc trên diện tích khoảng 1.500 m²) với kiến trúc vẫn được bảo tồn nguyên vẹn từ thời giáo chủ Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, bao gồm: khoảng sân có 9 cột chạm rồng, tháp Hòa Bình (cửu trùng đài) - nơi ông Đạo Dừa từng ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Tòa tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén với một đỉnh cao lớn; nhà trưng bày những bức ảnh về ông Đạo Dừa, từ lúc sinh thời đến khi ông qua đời…
Hiện Cồn Phụng đã được đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vườn thú hoang dã, làng nghề truyền thống,… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Nhờ đó, mỗi năm, Cồn Phụng thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Thanh Hải