Nậm An (Hà Giang) khởi sắc nhờ phát triển du lịch cộng đồng
Cập nhật: 04/10/2012
(TITC) - Nậm An là một bản của xã Tân Thành, cách trung tâm huyện Bắc Quang 27 km, cách trung tâm xã Tân Thành 7 km.

 

Nguồn ảnh: Internet

Nằm gần khu vực lòng hồ nhà máy thuỷ điện Nậm Mu, ở độ cao 1000m so với mặt nước biển, Nậm An có khí hậu mát mẻ quanh năm và được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Địa hình ở đây bao gồm hệ thống núi đá và núi đất xen kẽ nhau hình thành nên những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, hoang sơ và kỳ bí. Nơi đây rất phù hợp với loại hình du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá…

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nậm An được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2008, có dân cư là người Dao gồm 2 nhóm chính là Dao Tả Pan và Dao áo dài, với 36 hộ và 173 khẩu sinh sống tập trung với những nét văn hoá đặc sắc mang đặc thù riêng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đặc trưng cho bản sắc dân tộc Dao được thể hiện trước hết qua túi, khăn, địu, cách trang  trí hoa văn trên mỗi trang phục áo váy của người phụ nữ; kết cấu bài trí nhà ở, bếp nấu ăn; nhạc cụ như: kèn môi, kèn lá, trống da...

Những lễ hội đặc sắc có từ lâu đời như: Lễ hội Cấp Sắc, Nhảy lửa, những làn điệu dân ca, dân vũ, hát giao duyên,  múa kèn, múa gậy tiền làm say đắm lòng người do những chàng trai, cô gái trong thôn biểu diễn, cùng nhiều trò chơi dân gian đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến...

Ẩm thực của dân tộc Dao bản Nậm An cũng mang những nét đặc trưng riêng của mảnh đất này với các món ăn như: cơm lam, thịt lam (lam theo tiếng dân tộc có nghĩa là nướng chín một thứ nào đó trong ống nứa, ống tre), thịt nướng, các loại rượu sắn, rượu gạo được chế biến từ men lá cây trên rừng và các loại thực phẩm khác được khai thác từ rừng.

Đến đây, ngoài khám phá và tìm hiểu những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi như: sến, táu, gụ lau, chò chỉ, dổi...; cùng nhiều loài động thực vật quý hiếm như: sóc, cầy, gấu, nai, hươu, lợn rừng, gà rừng...; tận hưởng và đắm mình dưới những thác nước nhỏ đẹp xanh trong nằm ẩn mình trong những khu rừng già rậm rạp và hoang vắng, thì du khách còn được tận mắt ngắm nhìn những nương chè shan tuyết xanh mướt; ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp thơ mộng xếp nối nhau chạy dọc chân núi của bà con dân tộc Dao...

Với những lợi thế đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện tự nhiên khí hậu, một kho tàng văn hoá dân gian độc đáo, đa dạng, những tấm lòng nhiệt tình mến khách, rộng mở là điều kiện lý tưởng, hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với làng Văn hoá du lịch cộng đồng bản Nậm An. 

Thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn gắn với phát triển du lịch, đồng thời nhằm mục đích bảo tồn, tôn tạo và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, qua đó quảng bá truyền thống văn hoá dân tộc, nét đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho Nậm An với khách du lịch trong và ngoài nước, UBND huyện Bắc Quang đã quy hoạch, đầu tư xây dựng làng du lịch sinh thái Nậm An trên diện tích 21,5 ha, biến Nậm An thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Huyện Bắc Quang đã đầu tư trên 3 tỷ đồng xây dựng 18 hạng mục công trình gồm đường bê tông; hệ thống nhà sàn 3 gian, nhà sàn mini, đường điện, ống cấp nước sinh hoạt, thuyền sắt phục vụ du khách tham quan hồ thuỷ điện... Bên cạnh đó, các hộ gia đình trong bản Nậm An được hỗ trợ xi-măng xây dựng 3 công trình vệ sinh (nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh); UBND huyện Bắc Quang cũng hỗ trợ 150 triệu đồng cho bản Nậm An mua các mặt hàng trưng bày, nuôi lợn đen, cá lồng, thỏ, ngan, gà...

Thấy hiệu quả từ dịch vụ du lịch, đặc biệt là dịch vụ ẩm thực và du thuyền tham quan, đời sống dần được nâng lên, người dân đã tự hình thành cho mình một nếp sống văn minh hơn, quy củ hơn. Vốn là những người dân thuần nông, họ đã phát triển và mở rộng, chỉnh trang lại khuôn viên gia đình để phục vụ cho du lịch cộng đồng và từ đó tạo nên ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn nét đẹp văn hoá đặc trưng vốn có và tạo những ấn tượng sâu sắc cho du khách.



                                                                                                    Hương Lê