(TITC) - Tối 11/5/2013, hàng nghìn du khách và người dân thành phố Hải Phòng đã nô nức tụ hội về Quảng trường Nhà hát lớn thành phố để theo dõi chương trình carnaval đường phố hưởng ứng Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 và Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ 2 do UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng tổ chức.
Khai thác chủ đề Năm du lịch quốc gia 2013 - "Văn minh sông Hồng", chương trình carnaval tập trung làm nổi bật các giá trị văn minh bản địa, kết tinh bản lĩnh, truyền thống, cốt cách, lẽ sống của người Việt nói chung và cư dân Đồng bằng sông Hồng nói riêng.
Carnaval có sự tham gia của 23 đoàn diễu hành, mở đầu là đoàn mô tô thể thao do CLB mô tô thể thao thành phố Hải Phòng thực hiện. Đoàn mang cờ nhiều màu với các khẩu hiệu: "Năm đô thị và An toàn giao thông", "An sinh xã hội", "Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ hai", "Thành phố Hải Phòng chào đón Năm du lịch Quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013"...
Tiếp theo là đoàn cờ hội với những hình ảnh không thể thiếu trong các lễ hội dân gian Việt Nam.
Múa rồng - nét văn hóa dân gian truyền thống hàng nghìn năm của người Việt Nam, được biểu diễn vào các dịp lễ, tết và sự kiện quan trọng trong năm, góp phần tạo không khí vui tươi, sôi động cho ngày hội.
Đoàn nhảy múa của cư dân Lạc Hồng tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ để mỗi người dân Việt Nam thêm tự hào về dòng giống con Rồng cháu Tiên.
Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng cũng được tái hiện như: Lễ hội Yên tử (Quảng Ninh), lễ hội chùa Keo (Thái Bình), hội Gióng (Hà Nội), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Hưng Yên), lễ hội Tây Thiên (Vĩnh Phúc), lễ hội Phủ Dầy (Nam Định), lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), lễ hội Tịch Điền (Hà Nam), hội Lim (Bắc Ninh) và lễ hội chọi Trâu (Hải Phòng).
|
Lễ hội Yên tử (Quảng Ninh) |
|
Lễ hội chùa Keo (Thái Bình) |
|
Hội Gióng (Hà Nội) |
|
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Hưng Yên) |
|
Lễ hội Tây Thiên (Vĩnh Phúc) |
|
Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) |
|
Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) |
|
Lễ hội Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) |
|
Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam) |
|
Hội Lim (Bắc Ninh) |
|
Lễ hội chọi Trâu (Hải Phòng) |
Chương trình carnaval còn có sự tham gia của 8 đoàn nghệ thuật đến từ 7 quốc gia như: Ấn Độ, Campuchia, Lào, Kitakiusu (Nhật Bản), Vladivostok (Nga), Vân Nam và Nam Ninh (Trung Quốc).
|
Đoàn Ấn Độ |
|
Đoàn Campuchia |
|
Đoàn Lào |
|
Đoàn Kitakiusu (Nhật Bản) |
|
Đoàn Vladivostok (Nga) |
|
Đoàn Vân Nam (Trung Quốc) |
|
Đoàn Nam Ninh (Trung Quốc) |
Những chú rối khắc họa hình ảnh các nhân vật trong truyện cổ tích do Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng thực hiện cũng tạo nên sắc màu văn hóa phong phú cho lễ hội.
Kết thúc đoàn diễu hành là "Sắc màu phượng đỏ" biểu tượng cho mảnh đất và con người Hải Phòng, khắc sâu vào tâm trí của mỗi người con đất Cảng và du khách dù chỉ một lần đến với thành phố này.
Ngay sau lễ hội đường phố đầy màu sắc là lễ khai mạc Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Đồng bằng sông Hồng với chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng.
Lần đầu tiên được tổ chức với quy mô hoành tráng, carnaval đường phố Hải Phòng đã thực sự trở thành sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân và du khách. Đây là cơ hội để Hải Phòng giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách đến với mảnh đất giàu tiềm năng này.
Bài: Phạm Phương; ảnh: Anh Dũng