Là một trong những nền văn minh lâu đời nhất góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam, Năm Du lịch quốc gia 2013 với chủ đề “Văn minh sông Hồng” sẽ tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc nhất của 11 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Để “Văn minh sông Hồng” tỏa sáng
Đồng bằng sông Hồng là vùng đất rộng lớn nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng bao gồm 11 tỉnh và thành phố: Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Quảng Ninh với dân số hơn 20 triệu người có thể xem là cái nôi của văn minh người Việt.
Trong số 7 vùng du lịch của cả nước, nơi đây chiếm tới 70% số lượng di tích. Số di tích được công nhận ở tầm thế giới cũng lớn nhất cả nước. Bề dày lịch sử hàng nghìn năm với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình rực rỡ đã bồi đắp nên một vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh.
Nét đặc trưng nổi trội của văn minh sông Hồng đó chính là văn minh sông nước. Gần như mọi mặt của đời sống con người gắn rất chặt và bị chi phối bởi hai yếu tố sông và nước. Văn minh sông Hồng là nền văn minh có sự giao tiếp đến cao độ, bắc xuống, nam lên, đông qua, tây lại bởi vậy nó được bồi đắp lên rất nhiều lớp văn hóa.
Kho di sản văn hóa phi vật thể của văn minh sông Hồng cũng hết sức giàu có và độc đáo. Không chỉ có hàng nghìn lễ hội. Đây cũng là nơi đã sinh ra các loại hình âm nhạc dân gian đặc sắc với ca trù, các chiếu chèo Thái Bình, Nam Định nức tiếng, những điệu chầu văn hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu đầy bản sắc, rồi hát đúm, quan họ Bắc Ninh say đắm lòng du khách bốn phương, hát xẩm, hát ru, đồng dao…Trong sự đa dạng phong phú đó lại là sự thống nhất đồng điệu do hoàn cảnh tự nhiên và lịch sử.
Lấy văn hóa truyền thống làm gốc
Đồng bằng sông Hồng với 11 tỉnh, thành được coi là cái nôi của nền văn minh sông Hồng với nhiều nét văn hóa đặc sắc, các lễ hội, hệ thống đình đền chùa gắn liền với không gian vùng miền Bắc Bộ chính là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hoá. Việc khai thác giá trị văn hóa vùng miền Bắc Bộ nhằm tạo ra những “đặc sản” du lịch, nhìn ở góc độ nào đó, chính là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đó.
Bên cạnh các danh lam thắng cảnh tiêu biểu như: Cúc Phương, Tam Cốc, Bích Động, Tràng An, Hương Sơn, Ba Vì, Tam Đảo…; các bãi biển nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà, Hải Thịnh, Quất Lâm, Đồng Châu…, Đồng bằng sông Hồng còn là nơi chứa đựng các giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc thể hiện ở các khu di tích chùa Bái Đính, Hoa Lư, Cổ Loa, Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Trần, Phủ Dày, phố Hiến, đền Hùng… hay các làng nghề truyền thống như lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng… đặc biệt là các di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, bia đá ghi các khoa thi tiến sĩ thời Hậu Lê và Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.
Năm Du lịch Quốc gia 2013 chính là ngày hội lớn để quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống cho các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng. Với chủ đề “ Văn minh sông Hồng”, việc tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2013 thời gian qua đã đi đúng hướng. Trong các sự kiện này, việc khai thác lợi thế từ tiềm năng du lịch thiên nhiên sẵn có, việc chú trọng phát huy thế mạnh văn hóa truyền thống, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vào du lịch đã được các địa phương đặc biệt coi trọng. Điều đó không chỉ giúp quảng bá đặc trưng văn hóa khu vực Đồng bằng sông Hồng mà còn phát huy được thế mạnh của khu vực để phát triển du lịch, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước thúc đẩy ngành du lịch các địa phương.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc tổ chức quá dày các hoạt động trong một lễ hội, lễ hội tiếp nối lễ hội đã làm giảm đi sức hấp dẫn đối với du khách. Bên cạnh đó, thay vì việc tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo đặc thù để lại ấn tượng đối với du khách, thì một thực tế đáng buồn là, nhiều địa phương hiện nay gần như chỉ trông chờ làm du lịch từ việc tổ chức các sự kiện, lễ hội đơn thuần. Chỉ tập trung vào diện rộng mà bỏ qua chiều sâu. Đó là chưa kể đến việc khai thác giá trị di sản theo kiểu “ tận thu” cũng đang trở thành căn bệnh trầm kha của ngành du lịch.
Cần phải nhận thức rằng, các sự kiện, hoạt động văn hóa du lịch là để quảng bá và thúc đẩy sự phát triển du lịch. Đó mới là bước khởi đầu cho quá trình làm du lịch. Chính vì thế, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp lữ hành cần tránh suy nghĩ trông chờ vào nguồn thu từ việc tổ chức các sự kiện, lễ hội mà phải chăm lo phát triển văn hóa một cách bền vững, bởi văn hóa là cái gốc, là cơ sở để phát triển du lịch bền vững.
Muốn “tỏa sáng” phải kết nối
Sống trên nguồn di sản, nhưng tìm hướng phát triển cho du lịch vẫn là câu hỏi thách thức với cả 11 tỉnh thành Đồng bằng sông Hồng. Một trong những vấn đề lớn chính là sự liên kết cho du lịch còn yếu dẫn đến giá tour còn cao trong khi những sản phẩm du lịch độc đáo vẫn còn ít ỏi. Đây chính là điều đặt ra cần được cải thiện trong Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013 và trong Chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2020.
Năm Du lịch Quốc gia 2013 quy tụ sự tham gia của 11 tỉnh thành, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam và Quảng Ninh. Với tiềm năng du lịch phong phú, nếu các tỉnh thành thực hiện liên kết tốt sẽ bổ trợ cho nhau, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch lôi cuốn và mang lại những kết quả khả quan cho hoạt động du lịch. Trước hết, đó là sự liên kết trong trao đổi kinh nghiệm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Ðây là yếu tố quyết định phát triển du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay, nói đến du lịch Đồng bằng Sông Hồng, khách du lịch hay ngay những người làm du lịch đều chỉ nghĩ ngay đến Tam giác tăng trưởng du lịch là Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh, còn các điểm đến thuộc các tỉnh khác: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam hầu như không có tên trong các tour du lịch. Có chăng vào dịp lễ hội, dựa trên nhu cầu của từng đoàn khách, các công ty lữ hành chuyên nội địa sẽ tổ chức riêng tour theo yêu cầu. Hết mùa lễ hội thì gần như không có khách.
Để tìm lời giải cho bài toán liên kết, nhiều hội thảo đã được tổ chức, Tổng cục Du lịch cũng đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch nhằm góp ý cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đại diện các công ty lữ hành đều cho rằng: tiềm năng du lịch đồng bằng sông Hồng là rất lớn, nhưng để thành sản phẩm du lịch thì các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng nên ngồi lại với nhau và mỗi tỉnh chỉ nên đầu tư vào một thế mạnh của mình; tập trung quảng bá tuyên truyền, liên kết thành tuyến sẽ tạo hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh cũng phải tạo ra được sản phẩm du lịch rõ nét. Cụ thể, khi xác định làng nghề hoặc đền chùa nào đó là điểm du lịch thì phải có quy hoạch và hệ thống hạ tầng đồng bộ, đầu tư cho cảnh quan môi trường, những nét đặc trưng, quà lưu niệm và quan trọng là khách có thể tham quan trải nghiệm cùng với người dân vùng đó.
Cũng cần phải chú ý đến phương tiện đi lại và thời gian di chuyển giữa các điểm đến. Ví dụ, nếu lấy Quốc lộ 10 nối từ Tràng An (Ninh Bình) đến Cát Bà - Hạ Long làm trục du lịch chính thì các điểm du lịch tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng không nên quá xa quốc lộ 10 để thuận tiện đi lại. Thực tế nhiều tuyến khảo sát của Tổng cục du lịch cho thấy, tại Thái Bình, Hưng Yên, điểm du lịch khá xa nhau nên chỉ khi nào khách có nhu cầu thì mới làm tour riêng. Còn tour cố định để nối tuyến từ Hà Nội - Ninh Bình - Hạ Long đang triển khai sẽ khó khăn và đẩy giá tour lên cao, khó thu hút khách.
Cùng với du lịch sinh thái thì du lịch biển đảo cũng chính là một trong những lợi thế lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều này thể hiện Ninh Bình tập trung khai thác vùng sinh thái Tràng An còn Hải Phòng tập trung khai thác vùng Cát Bà nối tuyến với Hạ Long.
Thống kê của du lịch Hải Phòng cho thấy, 80% lượng khách đến Hải Phòng là đến Cát Bà và thu nhập chính là từ đây. Do đó, Hải Phòng xác định liên tuyến Cát Bà - Đồ Sơn kéo khách từ Hạ Long sang và Ninh Bình về là hợp lý. Vấn đề là Hải Phòng cần tạo ra sản phẩm đặc trưng tại vùng Cát Bà để thu hút khách.
Nếu biết nắm bắt, Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng- Hải Phòng 2013 sẽ là bước ngược dòng ngoạn mục, tạo “cú hích” thực sự đối với việc phát triển du lịch trong khu vực. Và với một tương lai không xa, vài năm nữa, khi hệ thống giao thông hạ tầng trong khu vực sẽ được kết nối, trong đó, sân bay Cát Bi; đường cao tốc Đình Vũ - Cát Bà; quốc lộ 5 mới nối thông với quốc lộ 18 sẽ là cơ hội cho du lịch khu vực Đồng bằng sông Hồng phát triển. Tiềm năng nổi bật vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ với sản phẩm du lịch biển đảo theo trục Hạ Long - Cát Bà - Bái Tử Long sẽ là sự khác biệt lớn nhất trong cạnh tranh khu vực; tiếp đến là loại hình du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh dựa trên di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với tâm điểm là Hà Nội và khai thác thế mạnh vùng sinh thái, cảnh quan Ninh Bình.
Và Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 với chủ đề “ Văn minh sông Hồng” chính là bước đệm, tạo cơ sở để du lịch khu vực cất cánh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch quốc gia định hướng đến năm 2020.
Theo thống kê của Ban tổ chức, chỉ trong 2 ngày đầu các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của Năm du lịch quốc gia Hải Phòng 2013 đã thu hút gần 100 nghìn lượt người tham gia.
Một số hoạt động đáng chú ý trong năm du lịch quốc gia Hải Phòng: Cuộc thi nhiếp ảnh toàn quốc “Khám phá văn minh sông Hồng; Lễ hội làng Cá Cát Bà; - Liên hoan ẩm thực Đồng bằng sông Hồng; Liên hoan Chèo chuyên nghiệp toàn quốc; Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Đồng bằng sông Hồng; Hoạt động Hợp tác quốc tế nhằm quảng bá, xúc tiến gắn với hình ảnh TP. Hải Phòng và chủ đề Năm du lịch quốc gia 2013.
Đây thực sự là cơ hội hiếm có để người dân địa phương và du khách thập phương đến với Hải Phòng, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của khu vực Đồng bằng sông Hồng và thưởng thức những sản vật nổi tiếng của các địa phương.
|