Lễ hội Xuân 2013: An toàn, hiệu quả và hút khách
Cập nhật: 22/05/2013
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội Xuân 2013 được tổ chức an toàn, hiệu quả, đi vào nề nếp, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi trong cộng đồng, có sức lôi cuốn du khách. Các loại hình dịch vụ phục vụ khách hành hương đã được cải tiến và nâng cao chất lượng, xây dựng tốt nếp sống văn hóa ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội.

Du khách đến lễ hội tăng mạnh

Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ) hàng năm luôn thu hút rất đông du khách

Lễ hội Xuân Quý Tỵ 2013 diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước; lượng du khách đến các lễ hội ở quy mô tổ chức lớn hay nhỏ đều gia tăng mạnh.

Theo thống kê từ các điểm lễ hội, Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) đã đón 1,5 triệu lượt khách; thời gian cao điểm từ mùng 1 đến mùng 9 Tết đón trên 30 vạn khách, riêng ngày khai hội (mùng 6 Tết) đón gần 5 vạn khách. Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) đón 1,5 triệu lượt khách, bình quân đón 2 vạn khách/ngày. Lễ hội Đền Hùng đón 5 triệu lượt khách, bình quân đón 6.000 lượt khách/ngày, ngày chính Hội (10/3 Âm lịch) đón trên 1 triệu khách.

Lễ hội Đền Trần, Phủ Dày (Nam Định) đón trên 70 vạn khách, đêm khai mạc chợ Viềng (mùng 7 Tết) đón khoảng 2 vạn khách; đêm khai ấn (14 tháng Giêng) và ngày 15 tháng Giêng đón 8 vạn khách (tăng 60% so với dự kiến). Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) đón trên 70 vạn khách, bình quân 5.000 khách/ngày. Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) đón 1,5 triệu khách. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (Núi Sam, Châu Đốc, An Giang) đón 2,5 triệu khách…

Lễ hội dân gian cũng đã diễn ra tưng bừng trên khắp miền đất nước như lễ hội Đền Mẫu, Đền Thượng (Lào Cai); Đền Đông Cuông (Yên Bái); Đền Mẫu, Đền Bắc Lệ (Lạng Sơn); Đền Chử Đồng Tử (Hưng Yên); Đền Trần Thương (Hà Nam); Đền Hồng Sơn, Đền Cờn (Nghệ An); Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình); Chùa Keo (Thái Bình); Đền Sòng, Đền Giếng (Thanh Hóa); Chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)...

Các lễ hội Xuân cũng được đồng loạt tổ chức, với các sự kiện Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa (Hà Nội); Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam); Lễ hội lồng tồng (Thái Nguyên); Lễ hội khai hạ Mường Bi (Hòa Bình); Lễ hội đánh bắt hải sản (Quảng Nam); Lễ hội Chol chnam thmay của đồng bào Khmer (Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang)...

Một số lễ hội ngành nghề, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch mang tính sự kiện được tổ chức với quy mô và ảnh hưởng lớn: Lễ hội càphê Buôn Ma Thuột 2013, Carnaval Hạ Long 2013, Lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng 2013...

Tổng thể lễ hội Xuân 2013 cho thấy hoạt động lễ hội đang dần đi vào nền nếp. Quy mô và hình thức tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cộng đồng dân cư, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Nội dung phần lễ được duy trì theo nghi lễ truyền thống; phần hội được bổ sung những hoạt động mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách. Kết cấu hạ tầng ở các di tích, điểm tổ chức lễ hội được đầu tư, đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu du khách.

Thành công của mùa lễ hội Xuân 2013 được thể hiện cụ thể trên từng nội dung của công tác quản lý, tổ chức cũng như hành vi của người tham gia lễ hội. Công tác phối hợp của các ngành chức năng được chú trọng, thể hiện rõ trách nhiệm của ngành khi được phân công; công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường trước, trong và sau lễ hội. Công tác tuyên truyền được tăng cường với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Các cơ quan thông tấn báo chí vào cuộc mạnh mẽ tuyên truyền nếp sống văn hóa lễ hội, phê phán những hành vi chưa văn hóa trong quản lý, tổ chức và tham gia lễ hội, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành vi, thực hiện nếp sống văn hóa lễ hội.

Tại các điểm lễ hội lớn hay nhỏ đều đã hạn chế tối đa tình trạng ách tắc giao thông cục bộ, không để xảy ra cảnh chen lấn xô đẩy làm mất an toàn với du khách. An toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo; khuôn viên lễ hội sạch đẹp. Dịch vụ phục vụ du khách được nâng cao về chất lượng phục vụ. Ở một số lễ hội, giá cả phục vụ được niêm yết, giảm thiểu việc tăng giá tùy tiện và thương mại hóa lễ hội.

Việc quản lý thu chi tiền công đức, tiền giọt dầu, tiền lễ ở một số lễ hội dần được công khai, minh bạch hóa. Nếp sống văn hóa lễ hội đã có những chuyển biến tích cực; tại một số di tích, ban quản lý, sư trụ trì đã bố trí, sắp xếp khu vực đốt hương, hóa sớ; vận động nhân dân không thắp hương trong đền, chùa, chỉ thắp hương tại các lư hương để trước cửa. Các điểm đặt hòm công đức, đặt tiền giọt dầu ở nơi thờ tự được bố trí hợp lý, phân công người thường trực thu gom hương, tiền đặt lễ vào đúng nơi quy định. Tình trạng thả tiền, ném tiền tại nơi thờ tự được hạn chế...

Thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội

Mùa lễ hội 2013 được coi là có nhiều thành công và hiệu quả, tuy nhiên vẫn còn những mặt còn hạn chế, những biểu hiện tiêu cực, phản cảm gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể là xu hướng tự nâng cấp lễ hội; đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân gian; sự can thiệp quá sâu và cụ thể của chính quyền vào lễ hội; thương mại hóa lễ hội... đã làm giảm đi giá trị vốn có của lễ hội. Đặc biệt, đang có biểu hiện “lễ” lấn "hội”; không gian dịch vụ thương mại lấn át không gian thiêng lễ hội, làm mất dần không gian lễ hội.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã chỉ ra những điểm chưa được trong mùa lễ hội Xuân 2013 và yêu cầu tập trung chỉ đạo, có giải pháp khắc phục trong mùa lễ hội tới. Cụ thể, một số lễ hội diễn ra còn lộn xộn, phát sinh tiêu cực, hiệu quả chưa cao. Công tác dự báo chưa tốt nên bị động, lúng túng trong tổ chức, quản lý khi lượng du khách gia tăng đột biến. Việc thực hiện xã hội hóa rộng rãi, cho phép nhiều thành phần kinh tế tham gia tổ chức lễ hội nhưng lại chưa làm tốt công tác quản lý, kiểm soát nên phát sinh tiêu cực, nhất là trong việc tổ chức dịch vụ phục vụ lễ hội và quản lý các hoạt động tín ngưỡng.

Thêm vào đó, công tác tu bổ, tôn tạo di tích, phục hồi lễ hội nhiều nơi còn thiếu sự thống nhất, thiếu nghiên cứu khoa học dẫn đến tùy tiện và vi phạm Luật Di sản văn hóa. Khuôn viên di tích và môi trường cảnh quan ở một số lễ hội bị xâm hại. Ý thức văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội còn nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng đến không gian tâm linh...

Để mùa lễ hội Xuân 2014 và các năm tiếp theo diễn ra ngày một thành công hơn, vui vẻ và hiệu quả hơn; từ những bài học kinh nghiệm về công tác quản lý, tổ chức lễ hội Xuân 2013 và những năm trước, ngành văn hóa thể thao và du lịch từ Trung ương đến các tỉnh, thành cần tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội cần được nhìn nhận là công việc và trách nhiệm của toàn dân, của các cấp ngành, tổ chức đoàn thể chứ không là công việc riêng ngành văn hóa thể thao và du lịch.

Vietnam+