Du lịch khám phá, mạo hiểm được xem là xu hướng mới, hấp dẫn du khách. Trong đó, môn thể thao leo núi, chơi thuyền buồm đã được nhiều nơi khai thác hiệu quả. Thời gian gần đây, các loại hình này cũng bắt đầu triển khai ở Đồng Nai.
Từ nhiều năm trước, Khu du lịch Bửu Long với địa thế núi cao, hồ rộng đã từng được sử dụng để tổ chức các môn giải trí leo núi nhưng rồi dần dần loại hình du lịch thể thao này cũng bị mai một. Đến nay, loại hình này lại được đưa vào hoạt động trở lại như một “đặc sản” du lịch chỉ Bửu Long mới có.
* Đặc sản du lịch
Ông Nguyễn Sơn Lâm, hướng dẫn viên du lịch của Công ty cổ phần mạo hiểm Việt (TP. Đà Lạt), nhận xét: “Xu hướng du lịch mạo hiểm đang là trào lưu mới ngày càng thu hút khách. Ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều nơi đua nhau bỏ tiền xây núi nhân tạo để phát triển môn thể thao leo núi. Bửu Long có khung cảnh thiên nhiên đẹp với nhiều thế núi, độ cao khác nhau phù hợp cho cả vận động viên leo núi chuyên nghiệp và khách du lịch muốn thử khám phá. Có thể nói, đây là một lợi thế không nhỏ để phát triển du lịch mạo hiểm ngay trong lòng một thành phố công nghiệp”.
Ông Sullivan Shanne, giáo viên chịu trách nhiệm hướng dẫn cho học sinh Trường tiểu học quốc tế Nam Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) thực hành môn leo núi tại Khu du lịch Bửu Long (TP. Biên Hòa), chia sẻ: “Leo núi là môn thể thao mà trẻ em ở nhiều nước phải tham gia như một môn học để rèn luyện về sức dẻo dai, lòng can đảm, sự quyết tâm và cả tinh thần đồng đội. Có thể nói, thú chơi này hiện không chỉ quyến rũ khách nước ngoài mà nhiều người Việt cũng đang quen dần”.
Chia sẻ về thú chơi thuyền buồm, ông Trần Trung Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Sài Gòn du thuyền (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Trước đây, hoạt động chơi thuyền buồm chủ yếu diễn ra trên hồ Trị An thuộc Khu du lịch Đồng Trường - đảo Ó (huyện Vĩnh Cửu). Do địa điểm khá tách biệt nên CLB rất khó thu hút thêm người tham gia. Hiện CLB dời địa điểm về Khu du lịch Cù lao Ba Xê (TP. Biên Hòa). “Tổ chức chơi thuyền buồm ngay trong nội ô thành phố, chúng tôi hướng đến khai thác về du lịch. Và tôi tin rằng thú chơi đưa con người hòa mình vào thiên nhiên cùng cánh buồm lướt gió, không động cơ, máy móc là món quà quý với con người đô thị ngày nay” - ông Nghĩa nói.
* Không dễ khai thác
Theo ông Nguyễn Văn Thương, Giám đốc Khu du lịch Bửu Long: “Đưa vào khai thác sản phẩm leo núi, chúng tôi muốn tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo. Bửu Long đã hợp tác với một đơn vị chuyên nghiệp về lĩnh vực này, khách đến leo núi sẽ có chuyên gia hướng dẫn, được mua bảo hiểm đầy đủ”. Theo đó, khách có thể thỏa sức khám phá bộ môn thể thao mạo hiểm chỉ với mức phí 100 ngàn đồng/người khách lẻ và 70 ngàn đồng/người với khách đi theo đoàn.
Tuy nhiên, hơn một năm khai thác, dịch vụ này chủ yếu chỉ mới thu hút được một số đối tượng là học sinh của các trường quốc tế dưới dạng các lớp học kỹ năng dã ngoại. Khách lẻ đến leo núi rất ít và hầu như từ các địa phương khác về chứ người Đồng Nai chưa mấy quan tâm. Đại diện Ban giám đốc ở đây cũng thừa nhận: “Hiệu quả của dịch vụ leo núi hiện chưa đạt như kỳ vọng. Cần thời gian để khách làm quen vì không phải món đặc sản nào đưa ra thị trường đều được đón nhận ngay”
Còn về thú chơi thuyền buồm, tuy đã xuất hiện ở Đồng Nai từ 2 năm nay, nhưng chủ yếu là hoạt động riêng lẻ của một nhóm người trong CLB Sài Gòn du thuyền. Ông Ngô Minh Châu, Chủ nhiệm Hợp tác xã thương mại, dịch vụ Long Biên cho biết, Khu du lịch Cù lao Ba Xê cũng đã bàn đến việc hợp tác với CLB thuyền buồm để đưa bộ môn thể thao này vào phục vụ khách du lịch. Để dự định này trở thành hiện thực cần cả quá trình dài nỗ lực của các bên đầu tư. Tuy nhiên, CLB thuyền buồm luôn mở rộng cửa đón nhận thêm các thành viên cùng tham gia thú chơi này.