Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn làm việc và trả lời Nhật báo Japan Times
Cập nhật: 30/07/2013
Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2013) và Năm hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, ngày 25/7/2013 phóng viên Nhật báo Japan Times (Nhật Bản) đã có buổi làm việc và phỏng vấn Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn về tình hình phát triển du lịch Việt Nam.
Tổng cục trưởng tiếp đoàn phóng viên Nhật báo Japan Times

Trả lời câu hỏi của phóng viên Nhật báo Japan Times về chủ trương của Chính phủ Việt Nam nhằm đưa du lịch Việt Nam cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, Tổng cục trưởng cho biết, để đạt được mục tiêu đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ đón 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế, và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 18-19 tỉ USD, đóng góp 6,5% GDP cả nước được đề ra trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” thì du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng “Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và phối hợp với các địa phương xây dựng các qui hoạch phát triển du lịch vùng, qui hoạch phát triển của từng địa phương cụ thể; triển khai hàng loạt các giải pháp và tập trung chuyển hướng mô hình phát triển du lịch từ chiều rộng sang chiều sâu, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; sản phẩm du lịch Việt Nam phải có thương hiệu, đạt chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh mạnh với các nước trong khu vực và thế giới…

Về vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển của ngành DLVN trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước, Tổng cục trưởng cho biết, trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã đề ra 7 nhóm giải pháp rất cơ bản, đó là Phát triển sản phẩm; Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch; Đầu tư và chính sách phát triển du lịch; Hợp tác quốc tế và Quản lý nhà nước về du lịch. Theo Tổng cục trưởng đánh giá, giải pháp Xây dựng và phát triển sản phẩm chất lượng cao, duy trì chất lượng sản phẩm và quản lý điểm đến là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm đem đến sự hài lòng cho mỗi du khách, từ đó sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra uy tín và thương hiệu cho Du lịch Việt Nam.

Về việc xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam mang nét đặc trưng riêng, theo Tổng cục trưởng, đó chính là yếu tố văn hóa độc đáo và đa dạng trải qua hàng ngàn năm lịch sử của đất nước Việt Nam, cùng với tính thân thiện của con người và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đất nước là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với mỗi du khách quốc tế đến tham quan và tìm hiểu về Việt Nam. Từ năm 2012, du lịch Việt Nam đã chính thức triển khai xây dựng và xúc tiến thương hiệu với khẩu hiệu “Việt Nam – vẻ đẹp bất tận” và hiện nay với sự tư vấn của các chuyên gia du lịch EU, “Kế hoạch Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2015” và “Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2020” đã được xây dựng và chờ phê duyệt, hy vọng rằng đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ khẳng định được thương hiệu riêng của mình.

Về giải pháp cụ thể trong thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ cho sự phát triển của Du lịch Việt Nam (trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản), Tổng cục trưởng nhận định, có hai yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch của Việt Nam. Thứ nhất là, phải làm thế nào để các nhà đầu tư thấy rằng Việt Nam là điểm đến đầy hứa hẹn đối với du khách quốc tế trong tương lai và yếu tố thứ hai là phải có chính sách và môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư dễ dàng triển khai các dự án khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Đối với câu hỏi của phóng viên Japan Times về việc hiện nay còn thiếu thông tin tuyên truyền quảng bá để thu hút khách Nhật đến Việt Nam, trong khi đó mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam là sẽ thu hút khoảng 1 triệu khách Nhật vào năm 2015. Tổng cục trưởng cho biết, Việt Nam luôn xác định Nhật Bản là một trong những thị trường khách quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2012, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam đạt 570 ngàn lượt khách, đứng thứ 3 trong số các quốc gia có lượng khách đến Việt Nam nhiều nhất (sau Trung Quốc và Hàn Quốc). Để tăng cường thu hút khách Nhật, theo Tổng cục trưởng trước mắt cần phải làm tốt 2 nhóm công việc. Thứ nhất là hãy phục vụ thật tốt những khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam để từ đó chính những du khách này sẽ góp phần giới thiệu cho bạn bè, gia đình và người thân sẽ đến Việt Nam trong thời gian tới; thứ hai là tăng cường đẩy mạnh xúc tiến du lịch tại thị trường Nhật Bản cả về qui mô và hình thức. Để làm được việc đó, cần tập trung tăng cường hợp tác du lịch giữa cơ quan du lịch quốc gia, Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp du lịch của hai nước với nhau; tổ chức các hoạt động xúc tiến tại Nhật Bản thông qua các hội chợ du lịch quốc tế tại Nhật Bản; tổ chức các hoạt động truyền thông giới thiệu về du lịch Việt Nam trên các báo chí, truyền hình Nhật Bản; xuất bản các ấn phẩm du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật; tăng cường cung cấp thông tin bằng tiếng Nhật thông qua trang web của TCDL. Cụ thể là TCDL Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ JATA của Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản, tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch biển, resort miền Trung đến với du khách Nhật Bản vào tháng 9/2013 và tham gia họp nhóm công tác song phương với Cục Du lịch Nhật Bản vào tháng 10/2013. Ngoài ra TCDL cũng mong muốn mở Văn phòng Xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, nhưng hiện nay chưa có đủ khả năng về nhân lực và tài lực.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan TCDL, Tổng cục trưởng cho biết, mục tiêu hàng đầu là làm cho toàn thể xã hội hiểu rõ vai trò quan trọng của ngành Du lịch, bởi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng cao. Chính phủ xác định đúng về tầm quan trọng của du lịch thì sẽ có chính sách đầu tư thích đáng cho phát triển du lịch, các ngành khác hiểu đúng về du lịch thì mới có hỗ trợ cho tốt cho phát triển du lịch, và cộng đồng dân cư hiểu đúng về du lịch thì sẽ góp phần tạo nên môi trường du lịch văn minh, thân thiện với du khách, tạo nên sự phát triển bền vững cho ngành Du lịch.

Trả lời câu hỏi cuối cùng của hãng thông tấn Japan Times về việc nếu giới thiệu một câu về Việt Nam, Ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng có tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn rất đáng để du khách quốc tế đến tìm hiểu và trải nghiệm.

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt những người làm du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cảm ơn phóng viên Nhật báo (Japan Times) đã dành thời gian để tìm hiểu và giới thiệu về Việt Nam đến với du khách Nhật Bản và các nước trên thế giới.

Bài và ảnh: Thế Phi