Tổng cục Du lịch thúc đẩy hợp tác du lịch trong ASEAN
Cập nhật: 01/08/2013
(TITC) - Ngày 31/7/2013, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp đã chủ trì cuộc họp về các nội dung trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc TCDL và các thành viên Nhóm hợp tác du lịch ASEAN của TCDL.

 

Tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Phú Cường đã giới thiệu các nội dung trong Cơ chế hợp tác du lịch ASEAN, Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2011-2015 và Tiến trình hội nhập ASEAN của Du lịch Việt Nam.

Trong những năm gần đây, lượng khách quốc tế đến khu vực ASEAN ngày càng tăng. Riêng năm 2012, khu vực đã đón gần 90 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,73% so với năm 2011, trong đó, lượng khách quốc tế nội khối chiếm gần 50%.

Với diện tích 4,46 triệu km2, dân số trên 600 triệu người và GDP đạt trên 2.000 tỷ đô la Mỹ, ASEAN là một thị trường du lịch đầy tiềm năng, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đang có những tác động rõ rệt tới lượng khách quốc tế đến từ các thị trường nguồn đường dài (long-haul).

Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2011-2015 đã đặt ra tầm nhìn đến 2015 ASEAN sẽ đem đến cho du khách các sản phẩm đa dạng, mang đậm bản sắc ASEAN, tăng cường liên kết trong khu vực, tạo môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, chất lượng dịch vụ được cải thiện; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội phát triển cho người dân thông qua du lịch bền vững, có trách nhiệm trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan.

Một mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2011-2015 là đóng góp vào mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015, trong đó, những nội dung then chốt mà các quốc gia ASEAN cùng hướng đến gồm có: Thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về lao động du lịch dựa trên Tiêu chuẩn kỹ năng/năng lực chung của ASEAN đối với lao động du lịch (ACCSTP); Xây dựng các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN và Quy trình chứng nhận đối với khách sạn xanh, cơ sở lưu trú nhà dân, nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ spa, thành phố du lịch sạch và du lịch cộng đồng; Các chương trình du lịch liên kết trong ASEAN về các chủ đề: du lịch thiên nhiên, du lịch văn hóa và di sản, du lịch cộng đồng, du lịch tàu biển và đường sông, và du lịch y tế và sức khỏe.

Trong cơ chế hợp tác, các cơ quan du lịch quốc gia của ASEAN đang hoạt động thông qua 3 Nhóm công tác về Marketing và Truyền thông (MCWG), Phát triển sản phẩm (PDWG), Du lịch chất lượng (QTWG) và 2 Ủy ban là Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) và Ủy ban Hội nhập và Ngân sách ASEAN (TIBC). Năm 2013-2014, Việt Nam đảm nhiệm vai trò  Trưởng nhóm công tác Marketing và Truyền thông.

Kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN vào năm 1995, ngành Du lịch đã tích cực hội nhập, từng bước tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác du lịch nội khối. Thông qua sự tích cực, chủ động hội nhập, đã nâng cao sự hiện diện của du lịch Việt Nam trong khu vực, tăng cường quan hệ hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi thông tin với các nước.

Trong năm 2013-2014, du lịch Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Điều phối hoạt động của Nhóm công tác Marketing và Truyền thông ASEAN và hợp tác về Marketing ASEAN+3; Hoàn tất thủ tục để Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA) có hiệu lực ở Việt Nam; Tiến hành thủ tục ký Hiệp định thành lập Ban thư ký khu vực về nghề du lịch; Thực hiện Dự án phát triển sản phẩm du lịch đường sông do UNWTO hỗ trợ; Tiếp tục xây dựng các bộ tiêu chuẩn và tham gia xây dựng các kế hoạch và chiến lược của ASEAN...

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác du lịch Việt Nam trong ASEAN, liên quan đến cơ chế chuyên trách, chuyên sâu theo từng lĩnh vực hợp tác; phối hợp công tác; đề xuất sáng kiến hợp tác; tuyên truyền quảng bá thông tin; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Phát biểu kết luận, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp đánh giá cao các nội dung được trình bày và thảo luận tại cuộc họp và cho rằng hợp tác du lịch trong ASEAN đang đi vào chiều sâu, mang tính thiết thực cao. ASEAN là một thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường nguồn khác đang bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặt khác, tăng cường hợp tác du lịch ASEAN cũng nhằm góp phần hướng đến mục tiêu hình thành Cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015. Trong thời gian tới, các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp để đạt hiệu quả cao trong hợp tác du lịch với ASEAN; tăng cường quảng bá thông tin về du lịch Việt Nam trên website của ASEAN; nghiên cứu đề xuất cơ chế tăng cường hiện diện của du lịch Việt Nam tại các sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ hợp tác du lịch ASEAN trên cơ sở chuẩn bị tốt các nội dung hợp tác, đạt hiệu quả thiết thực cho ngành.

 

Bài: Truyền Phương; ảnh: Lê Trung