Những mái nhà sàn truyền thống, những con thác kỳ vĩ, nhiều phong tục, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, H’Mông, Khơ Mú... vẫn được lưu giữ, trở thành những “thỏi nam châm” hút khách du lịch đến với miền tây Nghệ An. Khi những bông hoa gạo bắt đầu rụng xuống, cũng là lúc bắt đầu một mùa du lịch mới ở nơi đây.

Thác Kèm ở huyện Con Cuông thu hút rất đông khách du lịch. (Ảnh: CTV)
Bản Khe Rạn, huyện Con Cuông là địa phương đi đầu trong phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh Nghệ An. Từ tổ homestay đầu tiên do gia đình ông Lô Huỳnh Lan và gia đình ông Lô Văn Tinh kết hợp thành lập vào năm 2015, trên địa bàn bản Khe Rạn hiện đã có năm mô hình homestay khác. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, năm 2017, Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Khe Rạn đã được thành lập. Với 20 thành viên, hợp tác xã chia thành: tổ tiếp khách, tổ quản trị, tổ ẩm thực, tổ văn nghệ.
Ông Lô Huỳnh Lan, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ du lịch cộng đồng Khe Rạn, cho hay: Để bảo đảm phục vụ khách du lịch, các homestay đều đầu tư hệ thống vệ sinh khép kín, mua sắm giường chiếu, chăn màn đầy đủ. Đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái, bản đã đón và phục vụ hơn 3.000 lượt du khách. Đến thời điểm này, các tổ đều đã hoàn tất công tác chuẩn bị, hợp đồng chặt chẽ, sẵn sàng để phục vụ du khách ghé thăm dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa hè năm nay.
Một trong những lý do khiến Con Cuông được nhiều du khách lựa chọn là sức hút từ những khu rừng nguyên sinh hoang sơ với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng; những ngọn thác kỳ vĩ tung bọt trắng xóa; những khe nước trong vắt, mát lạnh.... Ghé thăm homestay của gia đình chị Đặng Thị Nguyệt ở bản Xiềng (xã Môn Sơn), chị cho hay, gia đình vừa tiến hành dọn dẹp, giặt lại chăn màn và phun thuốc diệt muỗi các phòng và khuôn viên homestay. Vào mùa du lịch, hằng ngày, chị đều nhận được điện thoại đặt chỗ. Ngoài ngôi nhà sàn ba gian sạch sẽ, thoáng mát, gia đình chị Nguyệt đã xây thêm các phòng nghỉ khép kín, gần với Khu du lịch sinh thái Phà Lài. Tất cả các phòng đều được trang bị đầy đủ tiện nghi cơ bản để phục vụ du khách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Con Cuông Phạm Trọng Bình phấn khởi cho biết: Với việc các homestay bảo đảm được các điều kiện về ngủ nghỉ, ăn uống, sinh hoạt vệ sinh của du khách, đặc biệt là tính cách thân thiện, hiếu khách của người dân đã thu hút du khách đến với Con Cuông ngày một đông hơn. Cụ thể, năm 2021 hơn 33.000 lượt khách; năm 2022 gần 76.000 lượt; năm 2023 hơn 102.000 lượt; năm 2024 hơn 125.000 lượt. Riêng các điểm du lịch cộng đồng trong năm 2024 đón hơn 30.000 lượt khách. Hoạt động từ du lịch tạo công ăn việc làm cho khoảng 120 lao động thường xuyên và hơn 250 lao động mùa vụ; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tăng nguồn thu cho người dân trên địa bàn huyện và ngân sách nhà nước.
“Chúng tôi đang tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Tinh thần là làm du lịch một cách thực chất, hiệu quả và bền vững”, ông Bình chia sẻ. Năm nay, ngoài hai điểm du lịch cộng đồng tại bản Khe Rạn (xã Bồng Khê) và bản Nưa (xã Yên Khê), huyện Con Cuông có thêm hai bản du lịch cộng đồng, đó là Nam Sơn (xã Môn Sơn) và Bãi Gạo (xã Châu Khê). Mỗi bản có ba homestay.
Từ thị trấn Tân Lạc - thị trấn huyện lỵ của huyện Quỳ Châu, ngược hướng tây theo Quốc lộ 48, qua cánh đồng Tả Chum với những guồng quay gọn nước bên dòng sông Hiếu là làng Thái cổ Hoa Tiến. Đây là bản Thái cổ thuần nhất, có truyền thống hiếu khách, giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, như: kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa rượu cần, các làn điệu dân ca, dân vũ…
Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Hoa Tiến, chị Lang Thị Tâm, chủ homestay Từ Tâm (bản Hoa Tiến 2), chia sẻ: Hằng năm, khi những bông hoa gạo bắt đầu rụng xuống, cũng là thời điểm báo hiệu bắt đầu một mùa du lịch mới. Khách du lịch rất thích thú khi được dẫn đi tham quan phong cảnh, trải nghiệm nghề dệt, làm hương trầm và thưởng thức ẩm thực dân dã địa phương như: vịt bầu, thịt giàng, hò mọc, măng muối, canh ột, cá nướng… Dịp nghỉ lễ 30/4- 1/5 năm ngoái, mỗi ngày bản đón hàng chục đoàn khách đến tham quan và trải nghiệm, các homestay phục vụ hết công suất.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An, mô hình du lịch cộng đồng đang được phát triển tại 25 xóm, bản với 69 homestay. Các mô hình đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần lưu giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hóa. Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng đang từng bước làm nên thương hiệu cho miền tây Nghệ An. Năm 2024, địa phương đón gần 900.000 lượt khách, chiếm khoảng 11% số lượng khách du lịch toàn tỉnh. Đây là tín hiệu tích cực, là động lực để các huyện miền tây tiếp tục phấn đấu xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Năm 2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn năm 2021-2025. Có sáu chính sách hỗ trợ cho ba nhóm đối tượng, gồm: Hỗ trợ mô hình hộ gia đình mua sắm trang thiết bị ban đầu và trang thiết bị nhà vệ sinh; hỗ trợ các thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ và lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh; hỗ trợ kinh phí để các huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người dân và kinh phí tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng đã góp phần thúc đẩy ngành du lịch ở các huyện miền tây. Nguồn hỗ trợ tuy còn hạn chế, nhưng chính sách đã góp phần nâng cao tư duy, nhận thức phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như người dân ở các địa phương.
Trần Trung Hiếu