Đậm đà hương vị bánh dân gian
Cập nhật: 12/05/2025
Thời gian qua, nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Phong Điền “ăn nên, làm ra” với nghề làm bánh dân gian truyền thống, góp phần lưu giữ hương vị sản vật quê hương.

Các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ quảng bá các loại bánh dân gian.

Ngày nào cũng vậy, khi gà vừa gáy sáng, chị Trần Thị Thu, ở ấp Tân Long B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền đã nhóm lò làm bánh. Chị Thu là thế hệ thứ 2 giữ nghề làm bánh dân gian của gia đình. Chị Thu chia sẻ: “Nhà tôi có 3 chị em gái thì có 2 người nối nghiệp mẹ, giữ gìn và phát triển nghề hơn chục năm nay. Thời điểm đầu khi mới khởi nghiệp, tôi chỉ làm bánh nhỏ lẻ theo đơn đặt hàng. Dần dần, lượng khách ngày càng nhiều, có người đặt mua bánh số lượng lớn để phục vụ đám tiệc, kinh doanh”. Hiện nay, chị Thu làm nhiều loại bánh dân gian, như bánh đúc mặn, bánh bò, bánh da lợn, bánh bột lọc, bánh tét... bằng phương pháp hấp bánh thủ công. Chị Thu chia sẻ: “Làm bánh dân gian không khó nhưng phải có bí quyết riêng, vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Chẳng hạn khi làm bánh da lợn, mẹ tôi chủ yếu làm bột gạo, còn tôi lại gia giảm thêm bột mì ngang để bánh có độ dai hơn. Một nguyên liệu không thể thiếu là nước cốt dừa, góp phần làm bánh thêm đậm vị truyền thống, béo, thơm. Ngoài ra, màu sắc của bánh hoàn toàn được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như gấc, lá dứa, lá cẩm... Bánh không sử dụng chất bảo quản để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng”. Trung bình mỗi ngày, chị Thu hấp bán khoảng 500-600 chiếc bánh bò, 30-40kg bánh da lợn, vài chục ký bánh các loại khác; trừ chi phí chị lời khoảng 400.000 đồng. Vào các dịp lễ, Tết, bà con lân cận lại tìm đến chị để đặt bánh số lượng lớn, mang về thu nhập ổn định cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Đượm ở ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điền cũng duy trì nghề làm bánh dân gian trong nhiều năm qua. Chị Đượm kể: “Công việc kinh doanh chính của tôi là làm dịch vụ nấu ăn cho các đám tiệc và nhận quay heo. Dù bận rộn nhưng tôi vẫn duy trì nghề làm bánh dân gian, vừa có thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống mẹ truyền lại. Hiện nay, tôi nhận làm bánh theo đơn đặt hàng, chủ yếu là bánh tét, bánh ít”. Theo chị Đượm, bánh tét, bánh ít muốn ngon, tiêu chuẩn đầu tiên phải chọn nếp ngon, các nguyên liệu khác phải chất lượng, dừa nhiều để đạt độ béo. Ngoài các loại bánh tét theo truyền thống với nhân chuối, đậu mỡ, chị còn biến tấu làm ra những đòn bánh tét khổng lồ hình xoắn ốc với trọng lượng trên 2kg; bánh tét hình chữ cái, bánh tét ngũ sắc... được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi tháng, nhờ vào việc bán bánh dân gian, chị “bỏ túi” khoảng 3 triệu đồng.

Không riêng chị Thu, chị Đượm, nghề làm bánh dân gian đã trở thành công việc mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Phong Điền. Theo chị Bùi Thị Uyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phong Điền, hiện nay, các cấp Hội đang duy trì hiệu quả mô hình “Bánh tét ngũ sắc” tại xã Nhơn Nghĩa; tổ liên kết làm bánh dân gian tại xã Trường Long; Tổ hợp tác bánh dân gian xã Tân Thới. Các mô hình này thu hút nhiều hội viên, phụ nữ lành nghề tham gia. Nhằm giúp hội viên phụ nữ kinh doanh thuận lợi gắn với việc phát triển nghề truyền thống tại địa phương, các cấp Hội LHPN huyện Phong Điền luôn quan tâm, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu; tạo điều kiện thuận lợi cho các chị được tham gia các hội thảo, hội chợ để bày bán, quảng bá các loại bánh dân gian đến với khách hàng gần xa...

Bài, ảnh: Kiến Quốc

Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Đăng ngày 11/5/2025