Quảng Nam phát triển homestay theo hướng bền vững
Cập nhật: 17/09/2013
Loại hình du lịch lưu trú trong dân (homestay) đang phát triển mạnh mẽ và có nhu cầu tăng cao. Điều chỉnh định hướng phát triển homestay theo hướng du lịch bền vững là chủ trương hết sức cần thiết của TP. Hội An (Quảng Nam).
Thu hút du khách
Mới đây, UBND TP. Hội An đã ban hành công văn về việc công khai thông tin phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú trên địa bàn nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhân dân có nhu cầu đầu tư kinh doanh chủ động tìm kiếm thông tin về quy hoạch mạng lưới khu vực và các chỉ tiêu về số lượng phòng, cơ sở lưu trú được phép phát triển. Sở dĩ phải làm như vậy vì trong những tháng gần đây, UBND thành phố đã tiếp nhận và giải quyết rất nhiều hồ sơ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhất là sau khi thành phố ban hành kế hoạch Điều chỉnh định hướng phát triển cơ sở lưu trú và đề án Phát triển lưu trú trong dân (homestay) trên địa bàn thành phố đến năm 2015 (ngoại trừ 12 cơ sở đã được cấp phép trong 6 tháng đầu năm). Xuất phát điểm từ năm 2000, mô hình lưu trú trong nhà cổ được thử nghiệm với 3 nhà (9 phòng).
Tiếp đến năm 2006, mô hình lưu trú cùng người dân (homestay Vườn Trầu, khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu) được khởi nghiệm khá thành công nên sau đó, tại Hội An đã phát triển thêm một số cơ sở như nhà vườn Ven Sông, Vườn Phong Lan, Garden Villa Hội An, cụm nhà dân Thanh Nam (phường Cẩm Châu). Ở Cù Lao Chàm, với hướng phát triển du lịch cộng đồng, đã hình thành 40 nhà có phòng cho thuê để kinh doanh theo mô hình này. Theo thống kê, số cơ sở lưu trú homestay vào thời điểm cuối năm 2012 là 61 nhà với 164 phòng (chiếm tỷ trọng hơn 45,5% cơ sở lưu trú các loại và hơn 4,2% số phòng lưu trú toàn thành phố). Hoạt động của các cơ sở này đã thu được những kết quả cũng như kinh nghiệm thực tiễn bổ ích.
Dù lưu trú trong nhà cổ, lưu trú trong nhà vườn (khoảng 15 cơ sở lớn nhỏ), lưu trú trong nhà dân (khoảng 40 nhà ở Cù Lao Chàm), du khách đều có dịp tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp cuộc sống dân dã, nét văn hóa địa phương qua sinh hoạt thường ngày của gia chủ, tạo sự kết nối thú vị, trải nghiệm độc đáo với cộng đồng dân cư. Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch TP. Hội An cho biết: “Thông qua các trang lưu bút, các ý kiến phản hồi trực tiếp từ du khách, nhất là du khách quốc tế, có thể thấy các hoạt động tại cơ sở lưu trú gia đình dù chưa thật đều đặn, còn mang tính tự phát, chưa thật sự sinh động nhưng vẫn có sức hấp dẫn lớn. Du khách rất thích thú khi được cùng nấu ăn, làm vườn, chăm sóc cây cảnh, hướng dẫn chế biến thức ăn ngày giỗ, tết, cưới hỏi, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư...”.
Tăng cơ sở dịch vụ
Không chỉ tăng về lượng khách mà doanh thu từ dịch vụ homestay ở Hội An tăng rất cao và nhanh. Nếu tổng doanh thu 5 năm (2006-2010) đạt gần 2,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 77,6% thì chỉ riêng năm 2011 đã đạt hơn 1,9 tỷ đồng, tăng gần 38,5% so với năm 2010. Bình quân ngày khách lưu trú cũng tăng từ 2,5 lên 3,5 ngày. Tuy nhiên, hiệu quả của phần lớn cơ sở còn thấp, các homestay ở Cù Lao Chàm, Thanh Nam (Cẩm Châu) có số lượng phòng cho thuê nhiều nhưng ít khách lưu trú. Chất lượng hoạt động, tiêu chuẩn mô hình nhìn chung chưa được kiểm soát; định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển chưa theo sát yêu cầu thực tiễn; các hoạt động liên kết, xúc tiến quảng bá, quản lý giá cả, an toàn trật tự, tổ chức phục vụ du khách vẫn còn bỏ ngỏ...
Vì vậy, điều chỉnh định hướng phát triển cơ sở lưu trú homestay đến năm 2015 của TP. Hội An là hết sức cần thiết để tăng cường quản lý Nhà nước và giải quyết nhu cầu đang tăng cao của nhân dân, phát huy nguồn lực tiềm năng trong dân để hình thành sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu tham quan lưu trú, trải nghiệm cuộc sống, tìm hiểu văn hóa Hội An của khách du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Không gian phát triển mở rộng về vùng nông thôn, vùng khó khăn có điều kiện về hạ tầng, cảnh quan thiên nhiên sinh thái, hạn chế phát triển thêm homestay ở khu vực nội thị, khu vực cận phố cổ, khu thương mại nhằm tránh phá vỡ không gian, kiến trúc khu phố cổ. Số lượng phát triển đến năm 2015 là không quá 22 cụm homestay với từ 220 - 300 nhà và khoảng 440 - 660 phòng lưu trú trong dân.
Báo Quảng Nam
|
|
|