Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hát văn tỉnh Bắc Giang”
Cập nhật: 19/09/2013
(TITC) - Ngày 16/9, tại Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa hát văn tỉnh Bắc Giang".

Nguồn ảnh: ĐCSVN

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và một số phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

Hát văn (hát chầu văn) là loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của người Việt mang đậm màu sắc tín ngưỡng, có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (tín ngưỡng thờ Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Trần Hưng Đạo). Qua đó tôn vinh các thần linh, nhân vật lịch sử, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước.

Ở Bắc Giang, loại hình này từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo, hấp dẫn của người dân địa phương, phổ biến nhất là tại một số di tích lịch sử, văn hóa như: đền Suối Mỡ, đền Bò (huyện Lục Nam); đền Nguyệt Hồ, đền Cô Bơ, đền Cầu Khoai (huyện Yên Thế); đền Chầu Lục, đền Từ Mận (huyện Lạng Giang)...; trong đó nổi bật là loại hình hát văn ở đền Suối Mỡ.

Hát văn ở Bắc Giang nói riêng, vùng Kinh Bắc nói chung hội tụ nhiều giá trị từ âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, văn học, vũ đạo, đạo cụ, trang phục, nghệ thuật trình diễn… Riêng về giá trị âm nhạc, bên cạnh sử dụng kết hợp các điệu nhạc cổ truyền trong ca trù, hát then, hát chèo, hò Huế…, còn sử dụng các làn điệu dân ca quan họ cổ.

Tuy nhiên, do quan niệm sai lệch, hát văn hiện đang bị biến tướng nhằm phục vụ mục đích mê tín dị đoan ở một số địa phương. Do đó, để phát huy giá trị nghệ thuật tinh hoa của hát văn, cần có biện pháp bảo tồn đối với loại hình này.

Tại hội thảo, hơn 20 tham luận của các đại biểu đã đề cập về các vấn đề liên quan đến hát văn như: lịch sử, nguồn gốc ra đời của nghệ thuật hát văn trong đời sống của người Việt, con đường lan tỏa nghệ thuật hát văn tại Bắc Giang, giá trị của hát văn trong xã hội…; đặc biệt là định hướng bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của di sản hát văn với những giải pháp cụ thể như: tuyên truyền, quảng bá để người dân thấy được những mặt tích cực và tiêu cực trong quá trình tiếp nhận hát văn; đưa nghệ thuật hát văn, hầu đồng vào các trường văn hóa nghệ thuật, các trường đại học trong cả nước dưới hình thức giới thiệu, tuyên truyền để thế hệ trẻ thấy được những giá trị nghệ thuật của loại hình nghệ thuật này và có ý thức bảo tồn; quảng bá nghệ thuật hát văn, hầu đồng trong du lịch để du khách trong và ngoài nước được thưởng thức và hiểu rõ giá trị của hát văn… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời ngăn chặn và xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi biến tướng hát văn, làm sai lệch giá trị của hát văn. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sưu tầm các bài hát chầu văn để bổ sung vào kho tàng văn hóa phi vật thể; tổ chức các câu lạc bộ hát văn, tiếp tục duy trì và phát huy nghệ thuật diễn xướng chầu văn trong các lễ hội; xây dựng hát văn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc tại Khu di tích danh thắng Suối Mỡ nói riêng và của tỉnh Bắc Giang nói chung nhằm thu hút du khách.


    Thanh Hải