Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, bảo tồn nên môi trường sống ở Hậu Giang được cải thiện đáng kể, dần trở lại phong cảnh hoang dã, thu hút nhiều loài chim quý hiếm nằm trong diện bảo tồn, có tên trong Sách đỏ, về sinh sống, sinh sản ngày một nhiều.
Theo kết quả khảo sát của Chi cục Kiểm lâm và chuyên gia Viện sinh học nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tại khu vực Vườn Chim trong Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân (Phụng Hiệp, Hậu Giang), tính từ tháng 8/2011 đến nay, đã có hơn 30 loài bay về sinh sống, trú ngụ với tổng đàn khoảng 3.500 đến 4.000 cá thể; trong đó, có ba loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam là chim cổ rắn (Anhingar melanogaster), cò nhạn (Ardea oscitans) và giang sen (Tantalus leucocephalus).
Năm 2012, tỉnh phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân với tổng diện tích hơn 1.400ha, trong đó đất rừng để làm khu bảo tồn động vật quý hiếm vườn chim là 61,87ha trên tổng diện tích tự nhiên của vườn chim khoảng 92,62ha. Hậu Giang có khoảng 5.100ha đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích có rừng khoảng 2.500ha, chủ yếu là rừng trồng đạt tỷ lệ che phủ 1,2%.
Thảm, hệ thực vật của vùng đất ngập nước Hậu Giang rất đa dạng nhưng do đất được khai thác đã lâu để trồng lúa, cây ăn trái hoặc làm đất thổ cư nên các loài thuộc hệ sinh thái nông nghiệp đã thuần dưỡng phát triển nhất. Qua thống kê, hệ động vật có 71 loài động vật cạn, 135 loài chim. Động vật nội đồng gồm rất nhiều loài từ cá đến bò sát, lưỡng cư tập trung trong đồng ruộng, kênh rạch, đặc biệt là dưới chân rừng...
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hậu Giang, với việc phát hiện tổ và chim con của các loài quý hiếm, Vườn Chim Mùa Xuân đang có xu hướng phát triển trong thời gian tới, do đó tỉnh cần quan tâm bảo vệ đặc biệt để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên này.