Phát triển du lịch làng nghề truyền thống - kết nối để tạo sức mạnh
Cập nhật: 15/10/2013
Sở VHTTDL Hà Nội vừa tổ chức Tọa đàm về thực trạng, giải pháp phát triển du lịch làng nghề, phố nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng trong chương trình Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, cần kết nối các làng nghề truyền thống để nhân lên sức mạnh thương hiệu trong bối cảnh phát triển du lịch văn hóa đang được coi là loại hình du lịch trọng tâm, trọng điểm của du lịch quốc gia.
Đánh giá về công tác phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống hiện nay, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng, làng nghề truyền thống Hà Nội đã có quá trình phát triển hàng trăm năm, mang đặc tính riêng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa.
|
Trong thời gian vừa qua, du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều thương hiệu làng nghề nổi tiếng đã xuất hiện trong hầu hết các sách hướng dẫn du lịch (Bát Tràng, Vạn Phúc…). Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chưa xứng với tiềm năng du lịch của các làng nghề, tỷ lệ khách du lịch đến các làng nghề so với khách du lịch đến Hà Nội vẫn còn thấp.
Doanh thu chủ yếu đến từ bán các sản phẩm thủ công, các làng nghề mới chủ yếu chỉ là nơi sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng được biết đến trên thị trường mà chưa được khai thác ở khía cạnh không gian văn hóa, các hoạt động nhằm giúp du khách có được các trải nghiệm cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng quan điểm trên, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, hiện khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour du lịch thực sự vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác đúng tiềm năng làng nghề.
Các đơn vị du lịch cần nâng cấp xây dựng các tuyến du lịch làng nghề như Bát Tràng, Vạn Phúc, Phù Lãng, Thổ Hà, Chu Đậu, Đại Bái, Quất Động, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Sơn Đồng, Vạn Điểm… Đặc điểm làng nghề, phố nghề của Hà Nội cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Hồng là nằm rải rác nhiều khu vực, làng xã xen kẽ với dân cư lao động làm nghề nông nghiệp nên hạn chế trong việc tổ chức đi lại cho khách du lịch.
Theo TS. Võ Quế, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, khi xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề cho khách du lịch cần có sự quy hoạch theo vùng, một vùng có nhiều làng nghề trong phạm vi địa lý nhất định để tạo ra sự phong phú sản phẩm cho quá trình đi tham quan của khách du lịch.
Bên cạnh đó, vấn đề thông tin về sản phẩm du lịch của các làng nghề, phố nghề còn mờ nhạt không chỉ với khách du lịch mà còn đối với cả các công ty lữ hành nên việc xây dựng các chương trình đến các làng nghề và được giới thiệu tại hội chợ, triển lãm du lịch còn khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy, cần chuẩn hóa các thông tin có liên quan đến sản phẩm (với sản phẩm vật chất thì thông tin quy trình sản xuất, chế tạo, công dụng; với sản phẩm phi vật thể là quá trình hình thành, lịch sử phát triển, phong tục, lễ hội gắn với từng vùng đất nghề…).
Để phát triển tốt du lịch làng nghề, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đề xuất các giải pháp khắc phục, trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo mối quan hệ liên kết giữa các loại hình du lịch với các làng nghề, giữa các điểm du lịch ở nội thành và các huyện, giữa các tuyến du lịch trong và ngoài nước; đưa ra những cơ chế chính sách thuận lợi để phát triển du lịch; khuyến khích các hộ dân tham gia làm du lịch.
Báo Văn hóa
|
|
|