(TITC) - Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ 5 năm 2013 được tổ chức tại thành phố Lạng Sơn từ ngày 4 – 6/11/2013, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tổ chức khảo sát một số tuyến, điểm du lịch tiêu biểu của Lạng Sơn. Với những giá trị đặc sắc về cảnh quan, lịch sử, văn hóa, khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) và danh thắng Nhị Thanh - Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) được chọn là điểm đến của đoàn khảo sát trong hành trình này.
Đường lên đỉnh núi Mẫu Sơn
Cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km về phía đông bắc, khu du lịch Mẫu Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan tuyệt đẹp cùng bầu không khí trong lành, mát mẻ mà còn bởi không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống nơi đây. Núi Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.541m so với mực nước biển, được bao bọc bởi hàng trăm quả núi nhỏ. Khí hậu ở đây ôn hòa với nhiệt độ trung bình 15,5ºC, mùa đông mây mù bao phủ, thi thoảng có hiện tượng băng giá; mùa hè có nắng vàng ấm áp; còn khi sang xuân, cả vùng lại đỏ rực sắc hoa đào. Các nhà khảo cổ đã phát hiện trên đỉnh Mẫu Sơn nhiều đền thờ đá, mộ đá lớn và di vật lịch sử giá trị có niên đại từ thời đồ sắt (trùng với thời kỳ đầu của nền văn minh sông Hồng).
Du khách đến Mẫu Sơn còn có thể thăm bản người Dao, thưởng thức món bánh mật, xôi ngũ sắc, mật ong rừng, đào Mẫu Sơn hay tìm cảm giác thú vị, sảng khoái khi tắm lá thuốc của người Dao đỏ.
Nằm trong dãy núi đá vôi phía tây bắc thành phố Lạng Sơn, thuộc phường Tam Thanh, khu danh thắng Nhị Thanh - Tam Thanh có diện tích 50ha, bao gồm: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành Nhà Mạc và núi Vọng Phu. Bốn vẻ đẹp riêng kết hợp lại tạo nên một sức hút đặc biệt cho quần thể di tích được mệnh danh là “Đệ nhất trấn doanh bát cảnh” của xứ Lạng.
Đường vào khu danh thắng Nhị Thanh - Tam Thanh
Động Nhị Thanh nằm trên một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ, do Ngô Thì Sỹ (1726 - 1780) - một vị quan triều Lê được cử lên Lạng Sơn làm quan Đốc trấn - phát hiện và tôn tạo vào cuối thế kỷ 18. Bên trái cửa động là hồ Nhất Bình. Nằm ở một thế đất cao bên phải cửa động là chùa Tam Giáo thờ Khổng Tử (Đạo Nho), Đức Phật tổ Thích Ca (Đạo Phật) và Tổ Đạo Lý Lão quân (Đạo Giáo). Trong chùa có pho tượng đức Phật Di Đà cao 2,2m được tạc nổi vào vách đá.
Với chiều dài khoảng 500m, động Nhị Thanh thu hút du khách bởi vẻ đẹp kỳ thú được tạo nên từ vô số những nhũ đá hình thù đa dạng rủ xuống từ trần động. Ngoài ra, động còn lưu giữ 20 bia Ma Nhai tạc trên vách đá là bút tích của các danh nhân, thi sĩ đương thời.
Bên trong động Tam Thanh
Đi hết động Nhị Thanh, đứng ở cửa sau của động, du khách sẽ thấy trên dãy núi còn có một hang động khác, đó là động Tam Thanh. Trong động có chùa Tam Thanh (Thanh Thiên tự) được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học đặc sắc, nhất là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm tác của các tao nhân mặc khách khi đến thăm chùa. Lễ hội chùa Tam Thanh được mở vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, thu hút rất nhiều khách hành hương, tham quan.
Động Tam Thanh có hai cửa thông thiên khiến ánh sáng rọi xuống những nhũ đá tạo nên vẻ đẹp lạ thường. Đứng trên lầu Vọng Thị bên cửa thông thiên của động, nhìn chếch về phía đông bắc, du khách sẽ thấy hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Tô Thị, một biểu tượng đẹp về lòng chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam. Dưới chân núi là di tích thành Nhà Mạc gồm hai đoạn tường được xây bằng đá cổ kính, rêu phong.
Khu danh thắng Nhị Thanh – Tam Thanh đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia năm 1962 (đợt xếp hạng di tích quốc gia đầu tiên của Việt Nam). Đây được coi là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch Lạng Sơn của phần lớn du khách.
Phạm Phương