Ninh Bình, điểm sáng về du lịch tâm linh
Cập nhật: 12/12/2013
Không phải đến khi có Hội nghị du lịch quốc tế về du lịch tâm linh thì Ninh Bình mới được biết đến là một điểm sáng về loại hình du lịch này tại Việt Nam. Tuy nhiên, Hội nghị này đã trao cho Ninh Bình một vận hội lớn để phát triển du lịch tâm linh mang tầm quốc tế.

Tiềm năng lớn 

Không phải ngẫu nhiên mà Ninh Bình được chọn làm “điểm dừng chân” của Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh lần đầu tiên được tổ chức ở Việt  Nam và có lẽ cũng là đầu tiên trên thế giới. Theo ông Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: “Đây là cơ hội “trời cho” để quảng bá du lịch Ninh Bình đến với bạn bè quốc tế và tìm kiếm cơ hội hợp tác”. Ông Bình cho biết, trong một lần đến thăm chùa Bái Đính và danh thắng Tràng An, Tổng Thư ký Du lịch thế giới Taleb Rifai đã có ấn tượng sâu sắc và nhận định mảnh đất này rất có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh nên đã đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh tại Ninh Bình chứ không phải một nơi nào khác hay một quốc gia nào khác. 

Ninh Bình là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh. Vùng đất “địa linh” này không chỉ có truyền thống lịch sử lâu đời, được tạo hóa ưu ái bạn tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long…mà còn là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc như: cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm… 

Theo thống kê, Ninh Bình hiện có gần 1.500 di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 77 di tích quốc gia và 210 di tích cấp tỉnh, nhiều đền, chùa, miếu phủ, nhà thờ xứ, họ ở khắp các địa phương trong tỉnh và gần 100 lễ hội truyền thống. Nhiều di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc  tôn giáo, tín ngưỡng đã và đang trở thành những điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng và được yêu thích trong nước như: cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, chùa Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm…hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm quan, chiêm bái. 

Điểm mạnh của ngành du lịch Ninh Bình là có sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương vào các hoạt động du lịch. Người dân được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ du khách tại các điểm du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng như: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống… 

Ông Bùi Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia vào công tác phục vụ du lịch, từ đó tạo ra công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn người dân địa phương, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Do lợi ích được đảm bảo, người dân đã tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa, tâm linh, công trình kiến trúc tôn giáo tại địa phương để vừa phục vụ cho đời sống tâm linh của cộng đồng và vừa phát triển du lịch”. 

Thách thức cũng không nhỏ 

Theo thống kê của Sở VHTTDL Ninh Bình, riêng năm 2012 đã có 3,7 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình, mang lại doanh thu hơn 800 tỷ đồng cho địa phương. Tính đến nay, tuy chưa hết năm 2013, Ninh Bình đã vượt mục tiêu của cả năm 2013, đón 4 triệu lượt khách, trong đó 2/3 lượng du khách đến các điểm du lịch tâm linh. 

Khảo sát tại các đơn vị lữ hành cho thấy, Ninh Bình luôn là lựa chọn hàng đầu của những du khách muốn hành hương trong dịp đầu năm và cuối năm. Những điểm đến của Ninh Bình như chùa Bái Đính, danh thắng Tràng An, nhà thờ đá Phát Diệm…không chỉ đông khách vào mùa cao điểm lễ hội mà còn hút khách ở nhiều thời điểm trong năm. Anh Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc đơn vị lữ hành Tre Việt cho biết: “Vào dịp đầu năm, du khách đặt tour đi du lịch tâm linh ở Ninh Bình rất đông, hầu như ngày nào cũng có đoàn khởi hành. Vào những thời điểm khác thì vắng khách hơn, nhưng lượng khách lựa chọn đến Ninh Bình khá đều và thường xuyên trong cả năm”. 

Thách thức lớn nhất của du lịch Ninh Bình cũng như nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch tâm linh khác là vẫn chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, sản phẩm lưu niệm còn đơn điệu nhàm chán, dẫn đến nguồn doanh thu tại các điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của Sở VHTTDL, trong năm 2012, chùa Bái Đính – điểm hấp dẫn du khách bậc nhất của Ninh Bình thu hút 2,1 triệu lượt khách. Tuy nhiên, thời gian lưu trú trung bình của khách tại địa danh này chỉ vỏn vẹn 1 ngày. 

Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến tình trạng quá tải du khách vào mỗi dịp lễ, dẫn đến những cảnh tượng xấu, làm mất mỹ quan tại các di tích, đền chùa.. cũng là mối lo ngại đối với sự phát triển bền vững của loại hình du lịch tâm linh Ninh Bình. 

Trước những thách thức này, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực đổi mới sản phẩm, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách. Ông Trần Hữu Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi tin rằng nếu có hệ thống lưu trú tốt thì Ninh Bình sẽ giữ chân được du khách. Do vậy tỉnh rất lưu tâm đầu tư đến hệ thống lưu trú và các sản phẩm lưu niệm. Ông Bình cho biết, trong năm 2013, Ninh Bình đã có khoảng 2000 phòng khách sạn và tiếp tục trong thời gian tới sẽ có thêm hàng chục dự án xây dựng khách sạn 4-5 sao. Về sản phẩm lưu niệm, tỉnh Ninh Bình cũng đã mở nhiều cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm cho khách du lịch, giao cho các Sở Công thương, Sở VHTTDL tiến hành. “Trên cơ sở những cuộc thi này, chúng tôi hiện tại có nhiều sản phẩm được du khách yêu thích như: đồ thêu như ga gối, tranh, khăn trải bàn…; sản phẩm cói Kim Sơn; đồ mộc, đá, postcard…”, ông Bình chia sẻ. 

Ngoài đổi mới sản phẩm du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, Ninh Bình cũng rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cho biết, mỗi năm địa phương đều tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho hàng chục nghìn lượt người dân làm du lịch. Bên cạnh đó, tất cả những điểm du lịch trọng điểm đều được tỉnh đầu tư ngân sách để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, giao cho người dân quản lý… 

Kết thúc Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh, ngài Zoltán Somogyi, Phó Tổng thư ký kiêm giám đốc điều hành Tổ chức du lịch thế giới đã nhận xét rằng: “Với việc tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh, Ninh Bình đã thể hiện vai trò trung tâm của sự phát triển du lịch tâm linh trên thế giới. Với những trải nghiệm của tôi tại Ninh Bình, tôi có niềm tin rằng Ninh Bình có cơ hội rất lớn để trở thành điểm đến du lịch tâm linh được yêu thích của du khách trong và ngoài nước trong tương lai”.

Tổ quốc