Sáng 10/12, tại Hà Nội, trường đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Không gian văn hóa đình làng, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ nhiều lĩnh vực như mỹ thuật, lịch sử, khảo cổ và văn hóa.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa đình làng vùng châu thổ Bắc bộ, Việt Nam” do trường đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện từ năm 2012 đến năm 2013.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. NGƯT Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Đình làng là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ và hồn cốt của người Việt. Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, mà còn là kho tàng về di sản văn hoá Việt như: diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề…
Đình làng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, nơi các hoạt động văn hóa cộng đồng được tổ chức và cũng là nơi tạo nguồn cảm hứng cho người dân sáng tạo nên các giá trị văn hóa làng. Không gian văn hóa đình làng Bắc bộ do cộng đồng làng xã tạo dựng nên, xuất phát từ nhu cầu, niềm tin và ước vọng của người Việt. Với ý nghĩa đó, đình làng là trung tâm văn hóa, là bảo tàng sống về văn hóa làng của người Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, không gian văn hóa làng với hình tượng cây đa, giếng nước, sân đình ngày nay đang bị thu hẹp, có nơi gần như mất hẳn. Đáng buồn hơn là một số đình làng, sau khi được đầu tư hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo lại khiến người ta có cảm giác đình làng được xây mới, hiện vật, tượng thờ bên trong dường như xa lạ hơn ngay với chính cộng đồng. Ngược lại, cũng có một số đình đang xuống cấp nghiêm trọng, các mảng chạm khắc hết sức tinh vi đang bị mối mọt, mục ruỗng nhưng chưa có kinh phí để trùng tu, tôn tạo.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã đưa ra nhiều ý kiến về di sản đình làng trong đời sống cộng đồng hiện nay, vai trò đình làng trong đời sống văn hóa người Việt, quá trình văn bản hóa sự tích Thành hoàng làng ở Việt Nam, hình tượng về con người tiêu biểu trong điêu khắc kiến trúc đình làng Việt, đình làng ở khu vực đồng bằng Bắc bộ và những vấn đề đặt ra về bảo tồn di sản.