Trong chuyến công tác kéo dài từ ngày 12 – 24/2 tại châu Âu của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh dẫn đầu có nhiều nội dung bàn thảo quan trọng, mở ra cơ hội phát triển, hợp tác mới về VHTTDL giữa Việt Nam với các nước Pháp, Thụy Sĩ, Hungary và các tổ chức như UNESCO, FIFA, WIPO, IUCN.
|
Lễ khai mạc Năm Việt Nam tại Pháp 2014 và các cuộc làm việc với tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của liên hiệp quốc (UNESCO); Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Truyền thông Pháp; chủ tịch Viện Pháp của đoàn công tác Bộ VHTTDL Việt Nam đã thu được kết quả hết sức tốt đẹp.
Tại Geneve (Thụy Sĩ), đoàn công tác đã tới thăm trụ sở và làm việc với tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gury. Ngoài những Điều ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan mà WIPO đang quản lý, Việt Nam đã là thành viên, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ, nghiên cứu, tìm hiểu về các Điều ước quốc tế mà Việt Nam chưa là thành viên (WTC- Hiệp ước về quyền tác giả, WPPT- Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm, BAT- Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn...) để Việt Nam có kế hoạch tham gia vào thời điểm thích hợp.
Đề nghị WIPO cử chuyên gia tư vấn giúp Việt Nam rà soát, đánh giá độ tương thích của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế để xây dựng hoàn thiện luật pháp về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số, hoặc liên quan tới hoạt động của tổ chức quản lý tập thể. Giúp Việt Nam đào tạo cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam thông qua việc tham gia hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tham gia các cuộc họp của các Ủy ban của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan. Hỗ trợ Việt Nam đánh giá sự đóng góp kinh tế của ngành công nghiệp dựa trên bản quyền (công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo) tại Việt Nam. Xây dựng chiến lược phát triển dài hạn về quyền tác giả và quyền liên quan.
Đánh giá cao và rất đồng tình với những đề xuất của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, Tổng giám đốc Francis Gury cho rằng Việt Nam là đất nước năng động, có tốc độ phát triển nhanh và ổn định. WIPO sẽ hỗ trợ nhiều hơn để Việt Nam có thể biến tiềm năng sáng tạo thành tiềm năng, lợi ích kinh tế.
Tới thăm và làm việc tại Tổ chức quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (IUCN) ở bang Gland (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị Tổ chức này tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển và lên kế hoạch bảo tồn lâu dài trong thời gian tới. Đồng thời giúp Việt Nam đánh giá các tài nguyên thiên nhiên để trình UNESCO công nhận Tràng An (Ninh Bình) và Cát Bà (Hải Phòng) trở thành di sản thiên nhiên thế giới. Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn các di sản thế giới đã được công nhận như Hạ Long, Phong Nha- Kẻ Bàng...
Tại trụ sở chính ở Zurich (Thụy Sĩ), ông Jean Paul De la Fuente, Tổng giám đốc Tổ chức New7wonders (N7W) đã tiếp Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và đoàn công tác. Ông Jean Paul cũng cho biết hiện nay tổ chức N7W đang triển khai xây dựng công viên kỳ quan tại các quốc gia có kỳ quan văn hóa và kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. N7W sẽ làm việc cụ thể với Hạ Long (1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do người dân trên khắp thế giới bầu chọn qua trang web của N7W) về kế hoạch quảng bá kỳ quan này với các kỳ quan khác. Việc kết nối các kỳ quan cũng đang được thực hiện. Ông đề nghị Việt Nam tích cực tham gia các chương trình này để mở rộng việc quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới và cùng với các kỳ quan khác thu hút khách quốc tế đến.
Tại Hungary, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và đoàn công tác đã tới thăm một số thiết chế văn hóa, thể thao (Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, Thư viện Quốc gia Széchényi, Trường Đại học Nghệ thuật âm nhạc Liszt Ferenc, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hungary...). Hungary là một cường quốc về thể thao. Chỉ với 10 triệu dân, Hungary đạt tới 168 huy chương vàng ở Olympic London 2012. Nếu tính về quốc gia, thể thao Hungary xếp thứ 8 trên thế giới; nếu xếp theo dân số, đứng thứ 2 thế giới. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá rất cao thế mạnh về thể thao thành tích cao của Hungary và đề nghị Hungary hỗ trợ Việt Nam trong việc tập huấn, đào tạo các vận động viên, các đội tuyển trẻ những môn thế mạnh của Hungary và các môn Việt Nam có tiềm năng như đấu kiếm, bơi thuyền, thể dục dụng cụ, cờ vua, bơi lội...
Trong cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Nguồn nhân lực Hungary Balog Zoltán cùng các Bộ trưởng, Quốc Vụ khanh về Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hungary, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị 2 bên phối hợp để tổ chức tốt những hoạt động nhân 65 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1950- 2015). Ngoài các đề xuất về hợp tác trong thể thao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nhấn mạnh đến khả năng hợp tác về văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc, thư viện, bảo tàng. Đề nghị Hungary gửi thư mời đoàn Việt Nam tham gia liên hoan nghệ thuật Duna Carneval được tổ chức vào tháng 6 hằng năm tại Budapest. Bộ trưởng cũng mời phía Hungary tích cực tham gia các liên hoan nghệ thuật tổ chức tại Việt Nam. Hiện nay khách du lịch giữa Hungary và Việt Nam chưa nhiều, điều kiện và nội dung quảng bá du lịch giữa 2 bên cũng ít nên thời gian tới cần thúc đẩy nhanh việc ký Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2014- 2016, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa 2 Bộ; đồng thời trao đổi các đoàn khảo sát cho báo chí và doanh nghiệp du lịch 2 nước giới thiệu du lịch lẫn nhau.