Kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924 - 2014), bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp cùng bảo tàng quốc gia Malaysia tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn” tại bảo tàng quốc gia Malaysia.
|
Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên từ sự phát hiện một nhóm hiện vật đồng vào năm 1924 tại làng cổ Đông Sơn ở ven sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa. Trải qua quá trình nghiên cứu, diện mạo văn hóa Đông Sơn đã ngày càng được làm sáng tỏ. Địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn về cơ bản trùng với khu vực miền Bắc Việt Nam hiện nay, kéo dài từ biên giới phía Bắc tới Đèo Ngang (giáp ranh Hà Tĩnh – Quảng Bình).
Với gần 100 hiện vật điển hình cùng nhiều hình ảnh và tài liệu khoa học bổ trợ, trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn” tại bảo tàng quốc gia Malaysia lần này chính là dịp giới thiệu, quảng bá tới khách tham quan Malaysia và du khách quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Việt Nam.
Trưng bày tập trung giới thiệu: đặc trưng của văn hóa Đông Sơn; chức năng của văn hóa Đông Sơn; kỹ thuật chế tác đồ đồng văn hóa Đông Sơn; các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn...
Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 11/3 tới 5/5/2014 tại bảo tàng quốc gia Malaysia, đường Jalan Damansara, thành phố Kuala Lumpur.