Cơ hội cho du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo) đang mở ra, nhưng đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Ðáp ứng lượng khách MICE ngày càng tăng, hàng không, khách sạn, resort, nhân lực... cần phải có chiến lược khai thác, phát triển đồng bộ.
Với rất nhiều danh lam thắng cảnh, di sản đẹp và phong cách ẩm thực đa dạng, hấp dẫn; con người cởi mở, thân thiện… Việt Nam có những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch MICE. Tuy nhiên, mỗi chương trình du lịch MICE đều có số lượng khách tham gia khá lớn, có khi lên đến vài nghìn người, nhưng thực tế, Việt Nam mới chỉ có một vài trung tâm có quy mô khoảng 5.000 người như Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Triển lãm Giảng Võ, Triển lãm Sài Gòn. Các khách sạn 5 sao những năm gần đây mặc dù đã được xây dựng nhiều, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng những sự kiện lớn mang tầm khu vực.
Bên cạnh hạn chế về mặt cơ sở vật chất, ông Nguyễn Khắc Huyền - Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch quốc tế Hòa Bình (Hoabinhtourist & Convention) cho rằng: Du lịch MICE của Việt Nam hiện đang khát nguồn nhân lực có trình độ, đáp ứng nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo cấp cao. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư để trở thành một điểm hấp dẫn của MICE nên các doanh nghiệp hầu như chưa chủ động, hay mạnh dạn đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho lĩnh vực này.
Từ thực tế của Hoabinhtourist & Convention, Giám đốc Nguyễn Khắc Huyền nhìn nhận: Du lịch MICE mang lại giá trị doanh thu cao gấp sáu lần loại hình du lịch thông thường (trung bình mỗi khách MICE châu Âu tiêu xài 700 - 1.000 USD/ngày, khách châu Á trên 400 USD/ngày). Chính vì vậy, các cơ quan chức năng nên xác định MICE là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn để có sự đầu tư thỏa đáng. “Việt Nam phải nhận thức đúng và có quyết tâm để đầu tư MICE trở thành một ngành công nghiệp riêng có tiềm năng, chứ không chỉ là một nhánh của du lịch” - Giám đốc Nguyễn Khắc Huyền nhấn mạnh.
Nên thành lập Hiệp hội Kinh doanh du lịch MICE
So với các nước như: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… Việt Nam là nước được thiên nhiên ưu đãi, với nguồn nội lực phong phú. Nói đến Hàn Quốc, du khách nghĩ ngay đến "xứ sở kim chi". Trong khi đó, nem hay phở của Việt Nam mặc dù rất ngon nhưng chưa trở thành một thương hiệu ẩm thực trên thế giới. Hay, nhờ chiến lược marketing tuyệt vời mà đảo Jeru – Hàn Quốc thu hút được các đoàn du khách đến đây rất đông, cứ 5 phút lại một chuyến bay. Trong khi đó, Hạ Long cũng là một danh thắng thuộc kỳ quan thiên nhiên thế giới nhưng sức hút vẫn chưa thực sự lớn. Từ thực tế này, Việt Nam cần phải cân nhắc quảng bá sao cho hợp lý, tránh dàn trải để làm sao hình ảnh, văn hóa, di sản Việt Nam được tiếp thị chọn lọc, sâu rộng, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn nữa.
Hiện tại, ngành du lịch đang bão hòa, nhiều doanh nghiệp đổ xô đầu tư vào lĩnh vực MICE. Tuy nhiên, do không có tiềm lực kinh tế, chuyên môn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp này đã góp phần làm cho thị trường MICE trở nên kém chuyên nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chính vì thế, đại diện nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch MICE cho rằng: Việc cấp phép hoạt động cũng như giám sát, quản lý doanh nghiệp cần phải sát sao hơn nữa để tạo ra một môi trường MICE chuyên nghiệp, hạn chế các hình thức cạnh tranh kém lành mạnh như: bôi nhọ, dìm giá, chất lượng phục vụ kém.
Ông Nguyễn Khắc Huyền đề xuất: Đã đến lúc, Hiệp hội Du lịch cần tính đến phương án thành lập Hiệp hội Kinh doanh du lịch MICE để có thể quản lý, hỗ trợ, hậu thuẫn, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Song song với đó xúc tiến, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp để có thể kéo được những sự kiện lớn mang về Việt Nam. “Nếu như ngay trên sân nhà đã không có sự liên kết, hậu thuẫn nhau thì doanh nghiệp Việt Nam khó có cơ hội phát triển lớn mạnh để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực ở các nước có ngành công nghiệp MICE phát triển trên thế giới” – ông Nguyễn Khắc Huyền nói.