Cách TP. Lai Châu khoảng chừng 22km, bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) đem đến cho du khách một cảm giác yên bình. Đây là nơi cư trú trên 150 hộ gia đình, với hơn 100 nếp nhà sàn truyền thống của người Lự vẫn được lưu giữ. Đến thăm bản, du khách sẽ được nghe các bà, các chị hát những làn điệu dân ca Lự êm dịu, những tiết mục ca múa do chính những chàng trai cô gái trong bản biểu diễn với các loại nhạc cụ như trống, chiêng, sáo mẹ, sáo con hoặc được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc do bà con dân bản chế biến… Du khách có dịp mua những mặt hàng thổ cẩm thủ công như túi xách, khăn, mũ, áo, váy…
Du khách tới tham quan bản Hon đều tỏ ra thích thú khi được cảm nhận hơi thở cuộc sống của bản Hon, được công nhận là Bản du lịch cộng đồng. Năm 2012, lượng khách đến bản tương đối ổn định, trung bình mỗi tuần có từ 1 - 2 đoàn khách (5 - 30 khách/đoàn), tuy nhiên vào mùa khô số đoàn khách có thể đến nhiều hơn.
Trong hơn 100 nóc nhà sàn ở bản Hon có khoảng 5 nhà có khả năng phục vụ khách lưu trú. Mức thu tiền khi khách lưu trú là 70 nghìn đồng/đêm/khách. Đặc điểm ngôi nhà sàn của người Lự là thường có diện tích nhỏ, sàn nhà không cao nên sức chứa không lớn. Do vậy, bình quân mỗi hộ gia đình có thể chứa khoảng 15 khách/đêm. Một số ngôi nhà lớn thì chứa khoảng 20 - 25 khách/đêm.
Những năm gần đây khách tới bản Hon tham quan ngày càng nhiều, vì thế thu nhập của các gia đình khá dần lên. Các gia đình trong bản cũng đã quan tâm thực hiện vệ sinh môi trường, hầu hết đều xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, có nhà tắm cho khách. Nhà ở cũng sạch sẽ, không nuôi trâu, nuôi lợn trong gầm nhà.
Tuy nhiên, để phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hon, chính quyền địa phương cần tăng cường xúc tiến quảng bá điểm du lịch bản Hon trên các phương tiện thông tin đại chúng; kêu gọi sự đầu tư tài chính hỗ trợ người dân nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách; đồng thời hỗ trợ người dân đưa ra định hướng tổ chức các hoạt động du lịch và khai thác tài nguyên du lịch phù hợp với đặc điểm riêng của bản. Người dân địa phương cần được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có ý thức bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngoài ra, chính quyền và nhân dân cần liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để nghiên cứu tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo mang sắc thái riêng của bản Hon.