Ngày 27/9, Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) đã hưởng ứng ngày du lịch Thế giới 2014 bằng hội thảo công bố bộ sản phẩm du lịch mới: Tour du lịch "Mùa lúa chín". Đây là món quà tặng người dân làng cổ Đường Lâm do STDe phối hợp với 50 sinh viên khoa Kiến trúc- Qui hoạch Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững, lý do STDe đầu tư nghiên cứu Tour du lịch "Mùa lúa chín” cho làng cổ Đường Lâm là vì trăn trở: Vì sao đất nước ta là đất nước trồng nhiều lúa nhưng người dân lại không sống được nhờ cánh đồng? Nước ta có khá nhiều làng cổ truyền thống nhưng du lịch làng quê vẫn không có cơ hội phát triển?...
Tour du lịch "Mùa lúa chín” xây dựng những góc nhìn sáng tạo mới về cây lúa để đề xuất các hoạt động du lịch trải nghiệm trong mô hình "Công viên lúa" với 3 không gian chính: Không gian ”Hoài niệm”, không gian”Tình yêu” và không gian ”Khám phá”. Không gian ’’Hoài niệm” giúp du khách trở về quá khứ với sắc màu vàng rực rỡ của cánh đồng mùa lúa chín, với hương lúa, cánh cò, tiếng sáo diều và các món ăn dân dã thôn quê. Không gian ”Tình yêu” được tạo dựng với nhiều không gian riêng tư lãng mạn khác nhau để hẹn hò, tâm sự, và chụp những bức ảnh kỷ niệm cho ngày cưới. Không gian ”Khám phá” là thế giới dành cho trẻ em với các bù nhìn rơm ngộ nghĩnh và nhiều trò chơi thú vị với rơm.
Bên cạnh đó là "Công viên rơm" với 3 không gian hoạt động: Khu trình diễn thời trang rơm, khu dạy làm đồ lưu niệm rơm và khu ẩm thực. Đây là 3 không gian hoạt động có nhiều sức hút bởi sự độc đáo từ các hoạt động mới lạ.
Du khách cũng được nghỉ ngơi thư giãn tại "Công viên trăng". Những ngôi nhà xây dựng bằng vật liệu địa phương như tre, gỗ, rơm, đá ong với nhiều hình thức mới lạ sẽ để lại ấn tượng khó quên cho du khách về đêm trăng Đường Lâm.
Theo ông Phạm Hùng Sơn - Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, tour du lịch này rất dễ triển khai vào thực tế vì đã khai thác được những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương với giá thành vật liệu rẻ và yêu cầu công nghệ không cao. Còn ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá rất cao tâm huyết và tinh thần tiên phong của các nhà khoa học STDe trong việc nghiên cứu giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến việc khai thác tài nguyên chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Tour du lịch này có tính khả thi cao và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội nhiều mặt cho làng cổ Đường Lâm.