Do tác động của chiến tranh, thời gian và con người, nhiều đền tháp Mỹ Sơn đang bị xuống cấp, hư hại, cần có giải pháp cấp thiết chống xuống cấp các khu tháp này.
Tháp B3 đang nghiêng 80 về phía Tây Nam.
Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết, tình trạng đền tháp cổ Mỹ Sơn bị lún, nghiêng và bị bào mòn đã diễn ra trong nhiều năm nay. Trong số khoảng 50 đền tháp, phế tích hiện còn tại Mỹ Sơn thì đa phần đã bị xuống cấp hư hại.
Bên cạnh các đền tháp tương đối ổn định về nền móng và tường gạch hoặc ít chịu sự tác động từ khách tham quan như B1, B9, C1, C4, C5, C6, D1, D2, D3, D5, D6, A8, A11, K… thì một số đền tháp còn lại luôn đối diện với nguy cơ sụp đổ một phần, hư hại cao như B3, B4, B5, B6, C2, C3, C7, D4, E3, E6, E8, F1 và F2.
Trong đó, nghiêm trọng nhất phải kể đến 3 đền tháp B3, B5 và F1, cần khẩn trương lập, phê duyệt hồ sơ gia cố, tu bổ, chống đỡ cấp thiết các đền tháp… Đây là những đền tháp mà nguy cơ sụp đổ đến bất cứ lúc nào do tác động của thời gian và ảnh hưởng của nền địa chất yếu.
Qua kiểm tra cho thấy, tháp B3 đang nghiêng 80 độ về phía Tây Nam, trong đó có khe nứt sâu 7cm, rộng khoảng 4cm, kèm theo đó là các vết rạn nứt trên tường cũng đã thấy có dấu hiệu xuất hiện, nhất là bên trong lòng kiến trúc tháp.
Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn đang tiến hành lập báo cáo đánh giá hiện trạng di tích năm 2014 để kiểm tra và báo cáo với cơ quan chuyên môn liên quan để có giải pháp bảo tồn các di tích có nguy cơ xuống cấp này.
Trước nguy cơ tháp B3 bị ngã đổ, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng), Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam được mời vào cuộc, cùng với Ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn tiến hành khảo sát từ cuối tháng 9/2013.
Tại tháp F1, qua hơn 10 năm được khai quật khảo cổ (2003), đến nay, công việc trùng tu, gia cố vẫn chưa được triển khai, hầu hết gạch của tháp đã bị bạc màu và rạn đứt mạch liên kết. Tháp B5 là một trong những tháp còn lại nguyên vẹn nhất Mỹ Sơn nhưng cũng bị nứt gẫy nhiều ở những điểm góc, đặc biệt là góc Đông Bắc của tháp.
Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn, vấn đề hiện nay của tháp B3 là chưa có hồ sơ và giải pháp khả thi. Trong khi chờ lập dự án trình Bộ VHTTDL phê duyệt triển khai, trước mắt cần tiến hành chống đỡ cấp thiết di tích, sau đó sẽ tiến hành xử lý nền địa tầng mới có thể hạn chế nghiêng lún tháp, sau đó mới có giải pháp bảo tồn hiệu quả được.
Riêng với tháp F1, hồ sơ tu bổ di tích đã trình cơ quan chuyên môn cấp trên trong năm 2003, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi từ các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, trùng tu.
Ngoài vướng mắc do không có nguồn kinh phí, thì việc triển khai hạ giải mái che, bóc dỡ các lớp gạch cũng không dễ dàng vì mạch liên kết của tháp quá yếu. Điều này cũng đồng nghĩa F1 sẽ phải tiếp tục chờ kinh phí và giải pháp mặc cho nguy cơ sạt đổ luôn hiện hữu hiện nay và trong những năm tới.
Ngoài các tháp B3, B5, F1, trong giai đoạn trung hạn 2016-2020, tỉnh Quảng Nam sẽ đưa các nhóm tháp B, C, D vào danh mục những di tích cần bảo tồn cấp thiết.
Trong chuyến thăm Ấn Độ vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ về bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chàm tại Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam. Hy vọng, với bản ghi nhớ này, các chuyên gia Ấn Độ sẽ có những giải pháp nhằm chống xuống cấp, bảo vệ và trùng tu di tích lịch sử văn hóa quý giá này.