(TITC) - Triển khai Chương trình Hành động Quốc gia về Du lịch năm 2014, từ ngày 4 – 16/12/2014, Tổng cục Du lịch tổ chức chương trình Caravan khảo sát tuyến điểm du lịch đường bộ và xúc tiến du lịch dọc tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung và đoàn khảo sát
Chương trình nhằm mục đích phát triển các sản phẩm du lịch đường bộ, đặc biệt là loại hình du lịch bằng xe tự lái, kết nối các điểm đến trên hành lang kinh tế Đông - Tây qua 4 nước Tiểu vùng sông Mê Kông (Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung dẫn đầu đoàn khảo sát gồm 35 thành viên là đại diện các doanh nghiệp lữ hành quốc tế chuyên tổ chức các chương trình Caravan bằng xe tự lái, doanh nghiệp vận tải khách du lịch Bắc – Trung - Nam, các cơ quan báo chí, truyền hình và đơn vị tài trợ cho chương trình - Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV. Sự kiện cũng sẽ nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của Cơ quan Du lịch quốc gia Thái Lan (TAT) trong chương trình khảo sát và làm việc tại Chiangmai, Thái Lan.
Lễ khởi hành đoàn Caravan tại Hà Tĩnh
Sáng ngày 5/12, đoàn tập trung tại Thị trấn Phố Châu (Hà Tĩnh) để làm lễ khởi hành rời Việt Nam sang Lào qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) với sự tham gia của lãnh đạo Sở VHTTDL, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh và đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian diễn ra chương trình Caravan, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp khảo sát các tuyến điểm du lịch chính dọc tuyến EWEC của 4 nước Tiểu vùng sông Mê Kông và các chương trình xúc tiến du lịch như: gặp gỡ du lịch Việt-Lào tại Viên Chăn (Lào); tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế Chiangmai (Thái Lan); phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam, Hàng không Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam BIDV tổ chức Roadshow giới thiệu du lịch Việt Nam lần thứ 2 tại Yangon (Myamar).
Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) được khởi xướng và xây dựng vào năm 1998 tại hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ 8 tổ chức tại Manila (Philippines) và chính thức thông tuyến vào ngày 20/12/2006. Hành lang này trải dài 1.450km bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) đi qua 7 tỉnh Đông Bắc (Thái Lan), đến Savanakhet (Lào), về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) và kết thúc tại cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng).
Sáng kiến xây dựng hành lang kinh tế Đông - Tây nhằm vào các mục tiêu chủ yếu như: tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển giữa Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam; giảm thiểu chi phí về giao thông trong khu vực và tạo điều kiện cho việc lưu chuyển hàng hoá và con người dễ dàng hơn; góp phần xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển cho các khu vực nông thôn và biên giới, nâng cao thu nhập cho tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ; phát triển du lịch, dịch vụ.
Hành lang kinh tế Đông - Tây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị nói riêng và các tỉnh của Việt Nam mà nó đi qua nói chung; mở ra các cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường hàng hoá, dịch vụ ra nước ngoài, phát huy tối đa các nguồn lực bên trong và khai thác các nguồn lực bên ngoài, cải cách thủ tục hành chính, khai thác các tiềm năng về du lịch, thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
|
Bài: Phạm Phương; ảnh: Đình Thành