Quảng Ninh để du lịch Móng Cái hướng tới tăng trưởng “xanh”
Cập nhật: 05/02/2015
Trên cơ sở nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế từ khách quan đến nội tại, du lịch Móng Cái cũng đang có những bước chuyển biến về chất, đầu tư phát triển du lịch theo hướng bền vững. Thành phố Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước chuyển đổi cơ cấu khách theo hướng tăng tỷ trọng khách chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài…
 

Nhận diện tồn tại

Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa thông tin (VHTT), cơ quan chuyên môn quản lý về du lịch của UBND TP. Móng Cái, tổng lượng khách du lịch năm 2014 của Móng Cái đạt trên 640.000 lượt, bằng 80% so với năm 2013. Trong đó, khách xuất nhập cảnh (XNC) đạt gần 530.000 lượt người, khách lưu trú ước đạt trên 117.000 lượt người, chỉ bằng 71,1% so với 2013. Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu là do sự giảm sút của dòng khách du lịch quốc tế, trong đó chủ yếu là khách Trung Quốc khi thị trường khách truyền thống này bị “đóng băng” trong suốt hơn 5 tháng.

Nếu như 5 tháng đầu năm 2014, khách du lịch Trung Quốc XNC đi du lịch Móng Cái bằng sổ thông hành đạt gần 48.000 lượt người, con số cao nhất từ trước tới nay thì từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 10/2014, khách du lịch Trung Quốc đến Móng Cái giảm sâu và gần như không có. Hàng loạt tour đến Móng Cái trong các tháng 5, 6 và 7 đã ký hợp đồng trước đó đều bị hủy. Nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng khó khăn…

Song song với những khó khăn do khách quan thì nội tại lĩnh vực du lịch Móng Cái cũng còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Oanh, Phó phòng VHTT, cho biết: “Trước hết là ý thức trách nhiệm của những người trực tiếp được hưởng lợi từ du lịch hạn chế do vậy vẫn tồn tại cách làm du lịch thiếu bền vững. Tính chủ động của các phường, xã có tiềm năng về du lịch chưa cao do vậy nhiều tiềm năng du lịch của địa phương vẫn chưa được phát huy. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực lĩnh vực dịch vụ du lịch của Móng Cái thực sự còn thiếu và yếu…”. Mặc dù là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp khoảng 26% vào GDP của thành phố nhưng cán bộ trực tiếp quản lý và có chuyên môn về du lịch của Móng Cái đếm trên đầu ngón tay. Chất lượng lao động tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn chưa qua đào tạo còn cao. Cũng theo thống kê của Phòng VHTT thành phố, trên địa bàn hiện có khoảng 4.000 lao động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch nhưng số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 10%...

Tìm hướng phát triển bền vững

Trước khó khăn của dòng khách du lịch quốc tế, trong năm 2014, TP. Móng Cái đã có những giải pháp trước mắt để kích cầu du lịch. Đồng thời nhận diện rõ bất cập do tính phụ thuộc vào dòng khách quốc tế và những hạn chế từ nội tại, TP. Móng Cái đã và đang định hình lại hướng phát triển của lĩnh vực du lịch. Lãnh đạo thành phố cho biết, Móng Cái tiến hành tái cơ cấu ngành du lịch, tìm hướng đi bền vững, hiệu quả hơn. Từng bước chuyển đổi cơ cấu khách theo hướng tăng tỷ trọng khách chi tiêu cao, thời gian lưu trú lâu dài để tạo sự biến đổi về chất cho du lịch Móng Cái.

Để cụ thể hóa định hướng phát triển bền vững, ngay trong năm 2014, TP. Móng Cái đã có những bước đi cụ thể. Thành phố đã hoàn thành Đề án phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2014 - 2020, định hướng 2030. Các sản phẩm du lịch được xây dựng theo hướng phát huy tiềm năng, đề cao tính khác biệt. Trên cơ sở định hướng sản phẩm du lịch chính của Móng Cái là du lịch biên giới, thương mại cửa khẩu với chương trình du lịch đặc thù mang thương hiệu “Móng Cái – Cửa khẩu quốc tế - Địa đầu Tổ quốc”, Móng Cái sẽ phát triển thêm nhiều các sản phẩm du lịch bổ trợ. Các sản phẩm du lịch sẽ có sự gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, nhất là thương mại, vận tải, cảng biển, nông – lâm – thủy sản để bổ sung lợi thế cho nhau và phát triển hài hòa, bền vững. Trước mắt, giai đoạn 2014 - 2016, thành phố sẽ triển khai nhiều sản phẩm mới, như: hình thành tuyến phố đi bộ tại đường Trần Phú (phường Trần Phú); chỉnh trang đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp; hình thành khu phố ẩm thực gắn với chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm”; triển khai sản phẩm du lịch “Một ngày làm ngư dân Trà Cổ”; dịch vụ xe điện từ cửa khẩu Móng Cái đến khu du lịch Trà Cổ...

Cùng với đó, năm 2014, Móng Cái là địa phương đầu tiên trong tỉnh chủ động lập hồ sơ và được tỉnh phê duyệt 3 tuyến, 12 điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời triển khai thành công mô hình hợp tác công – tư đối với công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (Phường Trà Cổ). Thành phố đưa thêm 3 sản phẩm du lịch mới, đó là sản phẩm du lịch văn hóa Việt tại mũi Sa Vĩ; phương án tạo điều kiện cho du khách vào tham quan tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái không phải làm thủ tục XNC và nâng tầm Lễ hội đình Trà Cổ lên cấp thành phố. Đây cũng là năm công tác quảng bá du lịch được Móng Cái triển khai mạnh mẽ với việc phối hợp với các kênh truyền thông lớn trong nước dựng phim giới thiệu các điểm du lịch của thành phố; tiến tới xuất bản ấn phẩm “Cẩm nang du lịch Móng Cái”; đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn “Bông sen xanh” đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn…

Báo Quảng Ninh