Chương trình đón Xuân Ất Mùi hoành tráng, vui nhộn, phong phú, mang đậm đà bản sắc dân tộc được Hội người Việt Nam tại Pháp phối hợp với Hội Kiến trúc, Hội Thanh niên, và Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức với chủ đề “Lễ hội làng tôi”» được tổ chức tại Nogent-sur-Marne, ngoại ô Paris từ chiều 28-2 (tức mồng 10 tháng Giêng Ất Mùi) kéo dài đến khuya.
Đây là hoạt động thường niên của Hội Người Việt Nam tại Pháp mỗi dịp Tết đến Xuân về để bà con có dịp gặp gỡ, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp đầu năm mới, tận hưởng không khí đón Tết, vui xuân, thưởng thức ca nhạc, ẩm thực, vui chơi mà ngỡ như đang sống trong bầu không khí đón Xuân trên quê hương…
Hòa trong bầu không khí vui Xuân ấm áp cùng với bà con Việt kiều có Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cùng phu nhân; Đại sứ một số nước ASEAN, đại diện chính quyền địa phương; ông Nguyễn Thành Vượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp; cán bộ các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Pháp và hàng nghìn bà con Việt kiều, bạn bè Pháp yêu đất nước, văn hóa Việt Nam…
Thay mặt hội Hội người Việt Nam tại Pháp, ông Ngô Kim Hùng - Tổng Thư ký Hội, đã gửi lời chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc, an khang - thịnh vượng đến bà con nhân dịp năm mới.
Theo ban lãnh đạo Hội, mỗi dịp Tết đến Xuân về, trái tim của những người con xa quê hương luôn hướng về đất nước, dành những tình cảm thân thương nhất gửi tới những chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng như đến toàn thể đồng bào trong nước. Năm 2015, Hội sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và là cầu nối thiết thực để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.
Tết năm nay Hội người Việt Nam tại Pháp quyết định chọn một không gian rộng, tập trung ngay tại ngoại ô Paris.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội nhận xét, việc thay đổi địa điểm năm nay là quyết định đúng đắn. Đây là một không gian rộng rãi, tuy không hoành tráng nhưng bù lại đây là một không gian lớn, tập trung, đầm ấm hơn. Khách đến tham dự Tết đông vượt dự kiến của ban tổ chức. Công tác tổ chức hôm nay rất chu đáo và nhiều sáng kiến, chẳng hạn như mời thầy đến làm lễ cầu an, cách bài trí của Hội kiến trúc rất đẹp, phù hợp với văn hóa truyền thống.
Bà Marie, cho biết : “Thú thật là bây giờ tôi không nhớ bao nhiêu lần dự Tết của các bạn. Tết của các bạn rất là thú vị, ấn tượng, đậm đà bản sắc. Tôi thích nhất là món nem sau đó mới đến các món khác như: bánh chưng, bánh tét, giò, chả”.
Đến với không khí đón Xuân tại đây, bà con được tham dự các hoạt động như Lễ cầu an, phát lộc đầu năm với mong muốn cầu cho bản thân, gia đình, dòng họ, bạn bè được bình an, hạnh phúc; đất nước hòa bình… Lễ cầu an đầu năm giờ đây đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Xuân về.
Khu chợ Tết tái hiện không gian văn hóa ẩm thực với những gánh hàng rong dân dã vùng quê như: bánh cuốn, xôi, nước vối, trà đá… Không chỉ có vậy, khách dự Tết còn được tham gia hát văn nghệ, thi hát đình làng, góc đọc sách xuân, gặp gỡ chia sẻ văn chương với các tác giả của cộng đồng, tham gia các trò chơi như cờ tướng, bầu cua cá cọp, hái lộc, cho chữ lấy may mắn, dạ vũ mùa xuân kéo dài suốt bốn tiếng đã mang đến bầu không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi, nhộn nhịp cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.
Điểm nhấn của Tết là Chương trình văn nghệ Tết kéo dài từ 16 giờ đến 18 giờ với sự tham dự của các nghệ sĩ từ trong nước sang và các nghệ sĩ cộng đồng. Đây là lần đầu tiên, đoàn nghệ sĩ truyền thống của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, do giáo sư Hoàng Chương dẫn đầu và các ca sĩ - nghệ sĩ ưu tú Ánh Tuyết, nhạc sĩ Tuấn Mạnh, nghệ sĩ ưu tú Quế Trân, nghệ sĩ ưu tú Tấn Giao, nhạc sĩ Duy Khôi...
Giáo sư Hoàng Chương, người phụ trách hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận Bài chòi, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam Trung Bộ, là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đã trình diễn bài chòi "Ông Xã, bà Đội" với cả hai vai diễn ông và bà.
Những nghệ sĩ, ca sĩ cộng đồng tại Pháp như: ca sĩ Thanh Tâm, ca sĩ Trung Hiếu, đặc biệt là dàn hợp xướng Hợp ca Quê hương, cùng đội văn nghệ của Hội người Việt Nam tại Pháp, Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Pháp...
Các tiết mục như Em như chim bồ câu trắng do các cháu thiếu nhi Hội Người Việt Nam tại Pháp trình bày hay Tổ quốc gọi tên mình của Hợp ca Quê hương, múa quạt, múa dân tộc Cơ Tu, võ cổ truyền do các nghệ sĩ, của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trình diễn được khán giả đặc biệt yêu thích.
Sau chương trình văn nghệ, mọi người được thưởng thức ẩm thực Tết như bánh chưng, nem, giò, chả...