Dự kiến trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 1 năm 2018 tại các địa điểm: LWL- Bảo tàng Khảo cổ học tại Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz, Các Bảo tàng Reiss - Engelhorn Mannheim - CHLB Đức.
|
Cổ vật Hoàng Thành Thăng Long sẽ được trưng bày tại Đức
|
Để triển khai dự án trưng bày cổ vật Việt Nam tại Đức theo tinh thần Bản ghi nhớ được ký giữa Bộ Văn hóa, Thế thao và Du Lịch và Đại sứ quán Đức ngày 28/2/2012 tại Hà Nội, mới đây, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, TS. Nguyễn Văn Cường và các cán bộ chuyên môn đã có buổi làm việc với đại diện đối tác Đức cùng sự có mặt của Ngài Bí thư phụ trách Văn hóa, Đại sứ quán Đức. Hai bên đã cùng trao đổi, thống nhất những vấn đề liên quan đến việc tổ chức một trưng bày chuyên đề quốc tế (từ việc xây dựng đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật, bảo quản, chụp ảnh và xuất bản catalogue).
Trưng bày với tên gọi “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” sẽ được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; 25 năm ký kết hợp tác văn hóa giữa CHXHCN Việt Nam và CHLB Đức.
Dự kiến trưng bày sẽ diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 1 năm 2018 tại các địa điểm: LWL- Bảo tàng Khảo cổ học tại Herne, Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Chemnitz, Các Bảo tàng Reiss - Engelhorn Mannheim. Với sự hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội và Viện khảo cổ học Việt Nam, trưng bày sẽ giới thiệu những hiện vật tiêu biểu được chọn lựa từ hơn 10 Bảo tàng khác nhau tại Việt Nam, phản ánh nền văn hóa đa dạng từ Bắc đến Nam cùng những di vật mới nhất được khai quật từ khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Các chuyên gia hy vọng sẽ mang đến cho công chúng thưởng lãm cái nhìn khái quát qua hơn chục nghìn năm lịch sử Việt Nam từ thời đồ đá cho đến nay.
Đây là một hoạt động làm sâu sắc hơn sự hiểu biết và mối quan hệ giữa hai nước, là dự án quan trọng, có ý nghĩa đối với Đức bởi đây là lần đầu người dân Đức có cơ hội làm quen với văn hóa Việt Nam và cũng là cơ hội cho đông đảo người Việt Nam đang sinh sống tại Đức cảm nhận những nét văn hóa quê nhà.