(TITC) – Trong khuổn khổ các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Ngành Du lịch Việt Nam, ngày 08/7/2015, tọa đàm “Phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ hội nhập” được tổ chức tại Hà Nội nhằm bàn luận về các giải pháp góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tham dự tọa đàm có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng Trần Chí Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Khách sạn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến.
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt các doanh nghiệp tiêu biểu về uy tín và chất lượng là động lực thúc đẩy đoàn tàu du lịch Việt Nam. Tổng cục trưởng nhấn mạnh các địa phương phải duy trì thường xuyên, liên tục các chính sách nhằm tạo ra môi trường du lịch thân thiện, nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương, tăng cường tuyên truyền, tạo cho người dân niềm tự hào giữ gìn và xây dựng hình ảnh quê hương đẹp trong mắt bạn bè quốc tế; doanh nghiệp cần chú trọng vào quản trị doanh nghiệp, định vị thương hiệu, chất lượng nguồn nhân lực để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh và đặc biệt cần sáng tạo, làm du lịch bằng tâm huyết và niềm đam mê để tạo ra thương hiệu riêng.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng Trần Chí Cường khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng dân cư Đà Nẵng trong việc tạo ra môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Ông Trần Chí Cường cho rằng một trong những nguyên nhân của nạn chặt chém, chèo kéo du khách, làm ăn theo kiểu chộp giật là do tâm lý bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ du lịch. Do đó, sáng tạo các sản phẩm, loại hình dịch vụ, các hoạt động trong nhà nhằm kéo dài mùa du lịch cần được chú trọng để hạn chế các tác động của tính mùa vụ.
Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải đối mặt với những thách thức: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế về trình độ tổ chức thị trường, môi trường kinh doanh nhiều biến động. Trước những thách thức này, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện về môi trường pháp lý thể hiện qua các chủ trương, chính sách và cần sự hỗ trợ của cộng đồng thông qua ý thức của người dân về vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, mỗi doanh nghiệp phải luôn tự đổi mới, tạo sự đột phá, thay đổi nhận thức về làm du lịch để đưa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lên một tầm mới.
Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung vào các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 92/NQ/CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới: (1) Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; (2) Tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch; (3) Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách; (4) Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; (5) Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch; (6) Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Hồng Nhung