(TITC) - Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, các hoạt động liên kết quảng bá du lịch “Ba địa phương - một điểm đến” giữa Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đã phát huy hiệu quả, ngày càng chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu, góp phần phát triển du lịch khu vực Duyên hải miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của ba địa phương với các sản phẩm đa dạng và chất lượng.
Thành phố Đà Nẵng
Năm 2015, với vai trò là đơn vị trưởng liên kết, TP. Đà Nẵng đã tích cực, chủ động phối hợp với Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy hiệu quả liên kết phát triển du lịch ba địa phương với những tín hiệu khả quan. Về công tác quy hoạch, quản lý nhà nước và đào tạo nghiệp vụ, ba địa phương đã tập trung xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thị trường quốc tế chung là Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Âu. Ba địa phương cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cung cấp thông tin về tình hình phát triển du lịch, chương trình tour, các điểm đến và sản phẩm du lịch mới để giới thiệu đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch ở các thị trường tiếng hiếm (như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan), xúc tiến mở thêm các đường bay quốc tế mới (như Hồng Kông – Đà Nẵng, Busan – Đà Nẵng), thành lập các Tổ công tác phát triển du lịch... cũng được các địa phương phối hợp thực hiện một cách hiệu quả.
Về công tác xúc tiến quảng bá, ba địa phương đã phối hợp tổ chức chương trình giới thiệu du lịch tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; chương trình famtrip kết hợp hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, xúc tiến quảng bá du lịch các địa phương tại Đà Nẵng; chương trình famtrip Lý Sơn và ký kết hợp tác phát triển du lịch Quảng Ngãi – Quảng Nam – Đà Nẵng; chương trình khảo sát du lịch Cần Thơ và các tỉnh Tây Nam bộ kết hợp tham gia sự kiện “Tuần lễ du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long” và ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh An Giang; đón đoàn Presstrip đến khảo sát sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng và Quảng Nam; tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu và ấn phẩm quảng bá du lịch ba địa phương.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Dự án EU, 3 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã xây dựng và lấy ý kiến về việc hình thành 3 nhóm sản phẩm du lịch chung của 3 địa phương gồm: con đường di sản, nghỉ dưỡng biển, con đường sinh thái và du lịch cộng đồng. Ba địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch địa phương, đồng thời cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn tại nước ngoài.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ba địa phương tiếp tục phối hợp với Dự án EU hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu du lịch, phim quảng bá du lịch, xây dựng tập gấp chương trình lễ hội và sự kiện năm 2016 của ba địa phương để phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá.
Phạm Phương