Ngày 22/2 (Rằm tháng Giêng Bính Thân), tại khu du lịch Thác Pongour (xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), hàng ngàn du khách đổ về trẩy hội và tham gia các trò chơi dân gian…
Đồng bào trong vùng cũng thực hiện các nghi lễ cúng tế của dân tộc mình, như người K’Ho cúng gà để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; người Thái nấu cơm, múa xòe; người Tày, Nùng múa sạp, ném còn…
Bà con dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh cũng đến đây thực hiện nghi lễ rửa mặt đầu năm để cầu mong được khỏe mạnh quanh năm, gieo hạt lúa, hạt ngô sẽ không bị chim ăn hết…
Pongour theo tiếng địa phương có nghĩa là sừng tê giác. Thác Pongour gắn với truyền thuyết của người K’Ho về nữ Tù trưởng anh hùng Kanai; còn trong văn hóa các dân tộc Tây nguyên, thác Pongour chính là biểu tượng của sự đoàn kết giữa con người và mẹ thiên nhiên hùng vĩ. Đây là ngọn thác đẹp nổi tiếng, đổ từ độ cao gần 40m, trải rộng hơn 100m, qua hệ thống đá bậc thang nhiều tầng. Bao quanh thác là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú, trước đây là khu vực săn bắn của Vua Bảo Đại.
Vào năm 2000, KDL thác Pongour được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử và thắng cảnh quốc gia.
Được biết, hàng năm, KDL Thác Pongour thu hút trên 80.000 lượt du khách. Riêng lễ hội Rằm tháng Giêng năm nay, ước tính có khoảng 8.000 - 10.000 người đến chiêm bái, vui chơi.