Trong hai ngày 17 và 18/2, tại sân vận động trung tâm thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, đã diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, thu hút hàng vạn nhân dân trong huyện cùng du khách thập phương tới xem và cổ vũ.
Hội chọi trâu Hàm Yên
Tham gia vòng chung kết chọi trâu Hàm Yên năm nay có 16 trâu chọi trong tỉnh và huyện thi đấu theo thể thức loại trực tiếp.
Trải qua những trận đấu sôi nổi, đẹp mắt và quyết liệt, dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả trên sân, trâu chọi số 37 và số 28 đã lọt vào trận chung kết của giải năm nay.
Với những đòn đánh “hổ lao,” “cáng hầu” “ghì sừng,” “lắc sừng”… trâu chọi số 28 của ông Dương Việt Hoàng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, đã đánh bại trâu chọi số 37 và giành chức vô địch mùa giải năm nay cùng số tiền thưởng 80 triệu đồng.
Giải nhì thuộc về trâu chọi số 37 của ông Ngô Văn Minh, thị trấn Tân Yên. Đồng giải ba là trâu chọi số 3 đến từ tỉnh Phú Thọ và trâu chọi số 23 đến từ xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải cho cặp trâu có trận đánh hay nhất.
Theo ý kiến của những khán giả trên sân, hình dáng, kích cỡ và thể chất của những trâu chọi năm nay vượt trội so với những trâu chọi tham gia lễ hội những năm trước.
Tại Hội chọi trâu Hàm Yên năm nay, “ông trâu” vô địch sẽ được giữ lại để nhân giống. Những “ông trâu” thua trận đều bị mổ thịt để tế lễ trời đất, cầu cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu.
Lễ hội chọi trâu huyện Hàm Yên được tổ chức hàng năm vào dịp đầu Xuân, với mục đích khôi phục lại lễ hội dân gian, bảo tồn và phát triển giống trâu Ngố của địa phương, phục vụ sản xuất và thu hút khách du lịch.
Ngày 18/2, tại xã Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) đã diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm 741 năm ngày tướng quân Phạm Ngũ Lão ra quân đánh giặc giữ nước và khai hội đền Phù Ủng.
Lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức từ ngày 11-13 tháng Giêng hàng năm, thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương tới dâng hương, trẩy hội. Lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân; khẳng định, tôn vinh và quảng bá những giá trị to lớn của di tích đền Phù Ủng trong kho tàng lịch sử văn hóa của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm.
Lễ hội được mở đầu với nghi thức rước kiệu từ phủ chúa về lăng Phạm Tiên Công và rước đền Phạm Ngũ Lão. Trong lễ rước, hàng nghìn người dân và khách thập phương đã chen nhau chui qua gầm kiệu với ước muốn một năm thật nhiều may mắn.
Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như đấu vật, nhảy mô đống, múa rối, hát trống quân, hát chèo, hát quan họ... Nhiều hoạt động thể thao lành mạnh cũng được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi trong lễ hội.
Phạm Ngũ Lão (1255-1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, nay là làng Phù Ủng (Ân Thi) là một vị tướng văn võ toàn tài. Dưới triều Trần, với lòng yêu nước và tài năng quân sự, ông đã góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, bảo vệ đất nước.
Để tưởng nhớ vị tướng tài danh, sau khi tướng quân Phạm Ngũ Lão mất, triều đình cho lập đền thờ ông trên nền nhà cũ tại quê hương Phù Ủng.
Cũng trong ngày 18/2, tại Không gian văn hóa trà thuộc xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, đã diễn ra Lễ hội Hương sắc Trà Xuân năm 2016.
Đây là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh nghề trồng chè truyền thống của vùng chè đặc sản Tân Cương-Thái Nguyên; là nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của những người sản xuất, chế biến chè và đặc biệt là những người uống trà, yêu thích trà.
Lễ hội Trà Xuân năm nay gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức rước cây chè đẹp; gióng trống khai hội... Sau đó là các hoạt động như thi sao chè ngon bằng phương pháp thủ công truyền thống, thi văn nghệ giữa các xóm; các trò chơi cổ truyền dân tộc như tung còn, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng... thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia.
Sản phẩm chè Tân Cương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Tân Cương cho sản phẩm chè ở 6 xã gồm Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Phúc Hà, Quyết Thắng và Thịnh Đức (thành phố Thái Nguyên). Riêng xã Tân Cương đã có 4 xóm được công nhận là làng nghề chè truyền thống gồm Hồng Thái 1, Hồng Thái 2, Đội Cấn và Soi Vàng.
Ngày 18/2, lễ hội chùa Ông chính thức diễn ra tại ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Lễ hội lần này có nhiều nét mới, đặc sắc so với những năm trước, đó là Ban tổ chức thực hiện nghi thức thả hoa đăng trên sông Đồng Nai; vận động du khách thập phương quyên góp tiền ủng hộ người nghèo; toàn bộ kinh phí tổ chức lễ hội gần 1 tỷ đồng do nhân dân đóng góp.
Lễ hội chùa Ông diễn ra từ ngày 18 đến 20/2 (tức ngày 11-13 tháng Giêng năm Bính Thân) với nhiều hoạt động phong phú gồm lễ nghinh thần, dâng hương các vị thần linh để cầu mong cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; biểu diễn lân-sư-rồng; cho chữ thư pháp.
Lễ hội chùa Ông là hoạt động phục vụ cả cộng đồng người Việt cũng như người Hoa. Mỗi năm lễ hội thu hút khoảng 100.000 du khách.
Trong lễ hội chùa Ông năm 2016, Ban tổ chức niêm yết giá gửi xe ở tất cả các điểm giữ xe, mức giá trong những ngày diễn ra lễ hội được ấn định 5.000 đồng/xe.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tất cả các hành vi mê tín dị đoan, tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, ngăn chặn triệt để tình trạng móc túi, người ăn xin níu kéo khách.
Chùa Ông (còn gọi là Thất phủ cổ miếu) là di tích lịch sử cấp quốc gia, được xây dựng năm 1684. Đây là cơ sở văn hóa đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khai hoang, lập nghiệp và bảo vệ vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai, cũng như sự giao lưu văn hóa trong hơn 300 năm qua./.