(TITC) – Chiều ngày 26/7/2016, Phiên họp Hội đồng tư vấn du lịch lần thứ 8 đã diễn ra tại Hà Nội với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (gọi tắt là Dự án EU-ESRT).
Tham dự phiên họp có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn; Chủ tịch nhóm tiểu ban du lịch và khách sạn, Phòng Thương mại Châu Âu Kenneth Atkinson; Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Trần Hùng Việt và các thành viên Hội đồng cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại phiên họp
Tại phiên họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đã tóm tắt sơ lược tình hình phát triển du lịch thời gian qua. Theo đó, tháng 7/2016, du lịch Việt Nam đã đón được 846.311 lượt khách quốc tế, tăng 20,8% so với tháng 6/2016 và tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 7 tháng năm 2016 ước đạt 5.552.635 lượt khách, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Khách du lịch nội địa cũng tăng trưởng tốt, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển du lịch Việt Nam.
Ngày 30/6/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 56/NQ-CP về việc gia hạn việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa I-ta-li-a. Bảy tháng đầu năm 2016, khách du lịch từ 5 nước trên đã đạt 437.568 lượt, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngành cũng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh phát triển công trình hạ tầng tại các trung tâm du lịch lớn của cả nước như hệ thống cáp treo Fansipan, một loạt dự án resort, khách sạn cao cấp tại Quảng Ninh, Phú Quốc, Nha Trang… đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng cao của du khách.
Toàn cảnh phiên họp
Cũng tại phiên họp, các tổ công tác của Hội đồng đã cập nhật thông tin về các hoạt động đã thực hiện kể từ phiên họp thứ 7 (15/10/2015). Về công tác quản lý chất lượng và nguồn nhân lực du lịch, Tổ công tác đã đóng góp ý kiến cho hội thảo quốc gia về đào tạo chất lượng cao; đề xuất việc tạo điều kiện cho dịch chuyển lao động và công nhận bậc nghề và một số vấn đề liên quan đến khung trình độ nghề và tiêu chuẩn nghề quốc gia.
Về công tác chính sách và thể chế, Tổ công tác đã đề xuất các giải pháp liên quan đến thị thực; đất và thuế đất; đảm bảo kinh doanh du lịch MICE; sửa đổi Luật Du lịch.
Về công tác marketing, tháng 10/2015, Hội đồng tư vấn du lịch đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ với Tổng cục Du lịch nhằm hỗ trợ các hoạt động marketing, bao gồm cả marketing trực tuyến, các hội chợ du lịch cũng như các chuyến khảo sát. Công ty doanh nghiệp xã hội Hội đồng tư vấn du lịch được thành lập vào ngày 10/6/2016, khẳng định bước tiến đột phá trong hoạt động của Hội đồng. Ngày 30/6/2016, Tổng cục Du lịch và Hội đồng tư vấn du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác chính thức về E-marketing…
Các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề như xác định rõ nguồn nhân lực chất lượng cao để tập trung bồi dưỡng, đào tạo; cần đẩy mạnh khai thác lao động tại các địa phương; các trường và cơ sở đào tạo đẩy mạnh liên kết; điều chỉnh luật về thuế, kinh doanh và đầu tư; thuế đất cần đảm bảo sự hợp lý về cảnh quan xanh…
Các đại biểu tham dự phiên họp chụp ảnh lưu niệm
Hội đồng tư vấn du lịch đưa ra đề xuất về việc thành lập Ban thư ký của Hội đồng nhằm thực hiện các công việc hành chính, bao gồm: tổ chức các cuộc họp của Hội đồng tư vấn du lịch; hỗ trợ các tổ công tác và tạo điều kiện liên lạc thường xuyên giữa Tổng cục Du lịch và các thành viên Hội đồng tư vấn du lịch; mở rộng truyền thông và kết nối mạng lưới với các đơn vị trong ngành và của Chính phủ.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã nghe công ty Ogivly One – đối tác của Hội đồng tư vấn du lịch giới thiệu ý tưởng về xây dựng website quảng bá du lịch Việt Nam./.
Tin, ảnh: Thu Thủy