(TITC) – Ngày 26/6/2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
|
Du khách nước ngoài thích thú lưu lại vẻ đẹp Hồ Gươm - Hà Nội (TITC/Truyền Phương) |
Sau hơn 9 năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 - 2015 của Thành ủy (khóa XIV), ngành du lịch Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của Thành phố. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, năm 2015, Sở Du lịch Thành phố được tái thành lập. Hà Nội đã khẳng định vai trò là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía bắc.
Giai đoạn vừa qua, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng bình quân hơn 10%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15%/năm, năm 2015 đạt gần 55.000 tỷ đồng (trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm tỷ trọng 3,2% GRDP của thành phố). Hệ thống cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành, vận chuyển khách du lịch phát triển mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Cụ thể: Hiệu quả kinh tế du lịch chưa cao, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn thấp; Thiếu những điểm du lịch, khu thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm tầm cỡ khu vực và quốc tế; Chưa có các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao; Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ để tạo thành chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh…
Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển du lịch thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo xác định quan điểm xây dựng du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân; Phát triển du lịch Thủ đô gắn với phát triển du lịch nội địa và quốc tế; Kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, bảo vệ thiên nhiên, đảm bảo quốc phòng – an ninh, trật tự xã hội; Phát triển du lịch chất lượng cao, theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy mọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, các tầng lớp nhân dân để phát triển du lịch.
Phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội đón 30 triệu lượt khách, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trung bình từ 8 – 10%/năm; Tổng thu từ khách du lịch đạt 120.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ 15 – 17%/năm; Công suất phòng đạt 60 – 65%; Đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghị quyết tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường với trọng tâm là đổi mới tư duy, tăng cường nâng cao nhận thức về phát triển du lịch ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cùng với đó là xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp hơn, gắn với từng thị trường cụ thể.
Thứ hai, rà soát, bổ sung quy hoạch, trong đó có rà soát và thực hiện tốt công tác Quy hoạch phát triển du lịch Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Lập và triển khai quy hoạch các cụm du lịch.
Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô.
Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời lập danh mục đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các dự án tổ hợp cơ sở lưu trú khách sạn cao cấp, có thương hiệu quốc tế.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Thứ sáu, tăng cường chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch để tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư. Cùng với đó là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch.
Thứ bảy, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch thông qua thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Thành phố; Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của Thành phố để đảm bảo đủ năng lực vận hành, thực sự phát huy được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn.
Hương Lê