Ngũ Hành Sơn
Cập nhật: 09/06/2009
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm TP Ðà Nẵng khoảng 8km về phía đông nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc quận Ngũ Hành Sơn.

Ngũ Hành Sơn bao gồm năm ngọn: Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía đông; Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía tây, nằm trên một dải cát vàng chiều dài khoảng 2 km, rộng khoảng 800m.

Thủy Sơn là ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn. Thủy Sơn nằm trải dài từ đông sang tây, rộng chừng 15ha. Ðỉnh núi có ba ngọn nằm ở ba tầng, giống ba ngôi sao Tam Thai ở đuôi chòm Ðại Hùng tinh nên có tên là núi Tam Thai. Ngọn cao nhất ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai, ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thai và ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai. Các chùa chiền và hang động tập trung chủ yếu ở Thủy Sơn. Ở ngọn Thượng Thai có Vọng Giang Ðài, tháp Phổ Ðồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thai, Hành Cung, động Hỏa Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư.

Có nhiều truyền thuyết về sự hình thành Ngũ Hành Sơn, trong đó có truyện kể rằng: "Ngày xưa, nơi đây là một vùng biển hoang vu, chỉ có một ông già sống đơn độc trong một túp lều tranh. Một hôm, trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm, giông bão nổi lên, một con giao long rất lớn xuất hiện vùng vẫy trên bãi cát và một quả trứng khổng lồ từ từ lăn ra ở dưới bụng. Sau đó giao long quay ra biển đi mất. Lát sau, một con rùa vàng xuất hiện, tự xưng là thần Kim Quy, đào cát vùi quả trứng xuống và giao cho ông già nhiệm vụ bảo vệ giọt máu của Long Quân. Quả trứng càng ngày càng lớn, nhô lên cao chiếm cả một vùng đất rộng. Vỏ trứng ánh lên đủ mầu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, tím lấp lánh như một hòn gạch khổng lồ. Một hôm, ông lão vừa chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy, ông cầu cứu móng rùa - vật mà thần Kim Quy đã giao lại cho ông lúc ra đi và trong lòng trứng xuất hiện một cái hang rộng rãi, mát mẻ. Ông đặt lưng xuống ngủ thiếp luôn và không biết đang xảy ra một phép lạ: Một cô gái xinh xắn bước ra từ trong trứng và nơi ông nằm là một trong năm hòn đá cẩm thạch vừa được hình thành từ năm mảnh vỏ của quả trứng...".

Lên thăm chùa chiền và hang động Thủy Sơn, du khách có thể đi bằng hai đường: Ðường tam cấp phía tây nam dẫn lên chùa Tam Thai có 156 bậc, hoặc tam cấp phía đông dẫn đến chùa Linh Ứng có 108 bậc. Leo khoảng giữa đường tam cấp phía tây, quý khách sẽ gặp cổng ngoài của chùa Tam Thai, nhưng hãy khoan vào chùa ngay mà nên rẽ trái, vòng hướng chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm và Phổ Ðồng ra thăm Vọng Giang Ðài chếch về phía phải chùa Tam Thai. Ở đây có một tấm bia bằng đá Trà Kiệu rộng một mét, cao hai mét dựng trên một nền đế rộng. Trên mặt bia khắc ba chữ Hán lớn: "Vọng Giang Ðài" (Ðài ngắm sông) và một dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng năm dựng bia: "Minh Mạng thập bát niên thất nguyệt cát nhật" (năm Minh Mạng thứ 18, tháng 7, ngày tốt). Ðứng ở đây có thể nhìn thấy bao quát cả một vùng đồng ruộng mênh mông của Ðà Nẵng, Quảng Nam và các con sông Trường Giang, Cẩm Lệ bao quanh.

Nằm trên quần thể Ngũ Hành Sơn, chùa Tam Thai là một ngôi chùa được xem là quốc tự và là di tích Phật giáo. Theo sử liệu, chùa được xây dựng cách đây ít nhất 300 năm. Năm 1825, Minh Mạng trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn đã cho xây lại chùa Tam Thai, năm 1927 đã cho đúc chín tượng và ba chuông lớn. Vòng ra sau lưng chùa Tam Thai theo một con đường đất sẽ gặp một cổng vôi cổ kính không biết xây từ bao giờ, trên có ba chữ Hán "Huyền Không Quan". Ðây là cửa vào động Hỏa Nghiêm và động Huyền Không. Trong động Huyền Không có đường dẫn sâu xuống lòng đất. Ðộng Huyền Không là hang lộ thiên nằm gọn trong lòng núi. Núi hình tròn nên mái động cũng hình vòm, nền bằng phẳng, không có măng đá và nhũ đá, trên vòm có năm lỗ lớn, nhỏ có thể trông thấy bầu trời bên ngoài. Vách động có bọt đá tạo nên những hình thù kỳ thú.

Từ sau chùa Tam Thai, du khách đi về phía đông sẽ gặp cụm hang động Trung Thai. Cụm này có động Thiên Phước Ðịa, hang Vân Nguyệt và động Vân Thông. Ðộng Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tấm bia cổ, khắc ba chữ "Ngũ Uẩn Sơn", giữa động có một tượng Phật rất lớn. Phía sau từng là đường đi lên động, càng vào sâu càng hẹp và hướng lên đỉnh núi, phải bám vào các tảng đá mới bò lên được, cuối động là miệng thông ra ngoài to bằng cái nong (đường kính khoảng hơn một mét). Ánh sáng từ đỉnh rọi vào trong động tạo ánh hào quang rực rỡ. Vọng Hải Ðài là điểm cao bên phải chùa Linh Ứng. Ðứng ở đây du khách có thể phóng tầm mắt ra một vùng trời biển bao la với các hoạt động nhộn nhịp của ghe thuyền trên biển. Từ tam quan chùa Linh Ứng có đường đi xuống núi, rẽ phải sẽ gặp động Âm Phủ. Ðộng cao, rộng, hình tròn sâu thẳm. Ðường hang quay về phía tây, vách lởm chởm đá, ẩm ướt, mát lạnh. Xuống khoảng 30m ta sẽ gặp một hầm cao, ánh sáng vẫn lọt qua khe đá rọi vào. Lần qua những cột đá lớn ta sẽ gặp một hang hẹp, lách qua ngách hầm còn có một vòm cao, một giếng sâu thông xuống lòng đất.

Ngũ Hành Sơn nằm giữa lòng TP Ðà Nẵng, không những là biểu tượng văn hóa trong tâm thức của mỗi người con quê hương Quảng Nam - Ðà Nẵng mà còn là điểm đến hấp dẫn của du lịch miền trung.
Báo Nhân Dân