Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành sân khấu, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã không ngừng đổi mới, xây dựng những chương trình nghệ thuật với những hình thức thể hiện mới lạ để vừa làm tốt công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối, vừa tạo điểm nhấn thu hút khán giả đến với sân khấu truyền thống.
Không ngừng đổi mới các chương trình biểu diễn
Sau chương trình “Quê trong phố” gây ấn tượng cuối năm 2017, Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa “trình làng” chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đồng vọng rối Việt” vào những ngày đầu năm 2018.
Chương trình nghệ thuật kết hợp giữa rối cạn và rối nước.
NSND Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: “Trong “Đồng vọng rối Việt”, chúng tôi sẽ mang đến những gì tinh túy nhất của nghệ thuật múa rối; Qua đó giới thiệu một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng mang đậm dấu ấn đương đại và đầy nhịp điệu”.
Chương trình đã được nhà hát ấp ủ từ rất lâu và được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi triển khai. Đặc biệt là với múa rối, một chương trình nghệ thuật đặc thù mất rất nhiều thời gian cho việc trang trí sân khấu, cũng như thực hiện làm con rối, kết hợp âm nhạc, luyện tập… "Đồng vọng rối Việt" là chương trình nghệ thuật kết hợp hài hòa, đầy mới lạ giữa rối nước, rối cạn cùng âm nhạc dân gian, một sự giao thoa đặc sắc giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Trong không gian kiến trúc Việt cổ với mái thủy đình, mái ngói, cây đa, lũy tre... nghệ thuật rối nước truyền thống được sáng tạo với cách trình diễn hoàn toàn mới lạ tạo nên dấu ấn riêng khi kết hợp cùng các thể loại rối cạn như: rối que, rối chân, rối mặt nạ, rối dây...
Sự kết hợp giữa các tiết mục đặc sắc nhất, các tiết mục đã từng được giải thưởng cao tại nhiều liên hoan múa rối uy tín quốc tế như: “rối chân”, “Đeo mặt nạ”, “cô đôi thượng ngàn”... với các tiết mục múa rối truyền thống như “chăn trâu”, “Sự tích Hồ Gươm”... đã mang đến một chương trình nghệ thuật hấp dẫn.
Múa rối nước truyền thống.
Đây không phải là lần đầu tiên Nhà hát Múa rối Việt Nam có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa rối nước và rối cạn, nhằm làm mới các chương trình biểu diễn. Trước đó, nhà hát đã thử nghiệm thành công ở một số vở diễn như: “Hồn quê”, “Truyện cổ Andecxen”, “Giấc mơ bí ẩn của Tễu và Kangaroo”, “Không gian trắng”, “Chuyện tình Dạ Trạch”… Trong đó, nhiều tác phẩm đã tạo được tiếng vang lớn tại nhiều sân khấu trong nước và quốc tế như: “Hồn quê”, “Truyện cổ Andecxen”, “Chuyện tò he”, “Hồn khí Thăng Long”, “Aladanh và cây đèn thần”, “Nhịp điệu quê hương”, “Vũ điệu hoa quỳnh”…
Điểm mới lạ của “Đồng vọng rối Việt” không chỉ đến từ nghệ thuật múa rối mà còn đến từ một “không gian nghệ thuật mở”. “Khán giả đến đây không chỉ để thưởng thức nghệ thuật múa rối mà còn thưởng thức một không gian thiên nhiên thân thuộc với thủy đình ngoài trời và một bảo tàng giới thiệu lịch sử múa rối Việt Nam nói chung, múa rối nước nói riêng”, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Khán giả được nghệ nhân giới thiệu về quy trình làm con rối.
Trong hành trình đó, khán giả sẽ được giới thiệu về quy trình làm con rối của Việt Nam. Đây là điều khá đặc biệt, bởi như NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thì “quy trình làm con rối của ta rất thú vị và không giống ai trên thế giới”. Thông qua chương trình biểu diễn nghệ thuật và không gian biểu diễn, nhà hát mong muốn đem đến một không gian mới, mang đến hiệu ứng nghệ thuật, cũng như khoe được tài năng của các nghệ sĩ với khán giả trong nước và quốc tế.
Gắn kết giữa du lịch và nghệ thuật
Cũng như nhiều loại hình sân khấu khác, khán giả đóng vai trò sống còn cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu nghệ thuật múa rối. Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn coi đây là vấn đề quan trọng bậc nhất. Trong nhiều năm trở lại đây, nhà hát biểu diễn liên tục với 3 suất diễn/ngày vào tất cả các ngày trong tuần để phục vụ khán giả.
Hiện nay Nhà hát có ba sân khấu biểu diễn gồm: Một sân khấu biểu diễn rối cạn và hai sân khấu biểu diễn múa rối nước (Sân khấu trong nhà và sân khấu ngoài trời). Bên cạnh đó còn có sân khấu múa rối lưu động sẵn sàng đáp ứng các hợp đồng biểu diễn trong và ngoài nước.
NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi vẫn đỏ đèn quanh năm, nhưng hiện nay khách bị phân tán bởi nhiều điểm diễn. Vì vậy, việc khẳng định tiếng nói riêng của mình là gì vô cùng quan trọng, cũng như tính chuyên nghiệp, tính nghệ thuật cao trong mỗi chương trình.”
Thuận lợi lớn nhất với nhà hát chính là bề dày truyền thống của một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với lực lượng nghệ sĩ hùng mạnh tài năng và cơ sở vật chất khang trang. Tuy nhiên, khó khăn cũng luôn luôn đồng hành bởi dù tình yêu nghề, tính chuyên nghiệp, tài năng có nhưng đích cuối cùng vẫn là sự thẩm định của khán giả.
“Chúng tôi cũng có khó khăn như xa trung tâm, giao thông không được thuận lợi nhưng bù lại chúng tôi luôn cố gắng để khán giả không thất vọng khi đến với Nhà hát Múa rối Việt Nam bởi sự trân trọng của chúng tôi cũng như chất lượng của các chương trình nghệ thuật”, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
Cùng với việc ra mắt tour du lịch trải nghiệm “Đồng vọng rối Việt” qua sự kết hợp với Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, Nhà hát Múa rối Việt Nam một mặt vẫn duy trì nguồn khách du lịch trước đây, một mặt mong muốn sẽ có thêm nhiều hơn nữa khán giả trong nước và quốc tế tới thưởng thức nghệ thuật và trải nghiệm tại nhà hát.
Nhìn rộng ra từ trường hợp của Nhà hát Múa rối Việt Nam, việc gắn nghệ thuật truyền thống với các tour, các tuyến du lịch sẽ góp phần đa dạng hóa, đồng thời tạo thêm chiều sâu văn hóa trong sản phẩm du lịch./.
Bài, ảnh: Gia Linh