(TITC) – Sáng ngày 25/1/2018, tại Hà Nội, Ban Biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) chuyên ngành Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xây dựng cấu trúc vĩ mô, biên soạn mục từ Bách khoa toàn thư Du lịch Việt Nam”.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện Sở Du lịch Hà Nội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục Du lịch cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chuyên gia du lịch thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và trên thế giới về xây dựng BKTT chuyên ngành Du lịch.
Để đáp ứng sự cấp thiết phải xây dựng hệ thống BKTT Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam” theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 với mục tiêu “Biên soạn BKTT Việt Nam góp phần nâng cao dân trí, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam”.
Ngày 15/2/2015, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn BKTT Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng đã ra quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm đề án và bổ nhiệm 37 Trưởng ban soạn thảo chuyên ngành.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại hội thảo
Ngày 05/12/2016, Ban chủ nhiệm đề án đã có quyết định số 2483/QĐ-BCNĐA phê duyệt nhân sự Ban biên soạn chuyên ngành Du lịch, Thể dục Thể thao, Ẩm thực và Trang phục (Quyển 35), bao gồm GS.TS. Nguyễn Văn Đính là Trưởng ban. Ban biên soạn BKTT chuyên ngành Du lịch có ba thành viên chính là: ông Vũ Thế Bình, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Th.S Vũ Quốc Trí và các thành viên là các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực du lịch.
BKTT Du lịch Việt Nam là bộ tài liệu chuẩn hóa tri thức cơ bản về ngành Du lịch trong đó có hội nhập với tri thức du lịch quốc tế, đảm bảo cho Du lịch Việt Nam hội đủ điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, cung cấp công cụ nhận thức chuyên ngành du lịch cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch và những người liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, BKTT Du lịch Việt Nam còn phổ cập tri thức chuyên ngành du lịch cho cộng đồng dân cư và cho toàn xã hội.
Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết du lịch hiện nay là một ngành kinh tế hàng đầu của thế giới. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2016, thế giới đã có 1.236 triệu người đi du lịch, doanh thu xuất khẩu của ngành Du lịch đã đạt 1.400 tỷ USD, trở thành ngành kinh tế thứ 3 thế giới (chỉ sau Dầu khí và Hóa chất). Với Việt Nam, trong những năm qua Du lịch đã vươn lên thành một điểm sáng của kinh tế đất nước, được nhà nước quan tâm phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
GS.TS. Nguyễn Văn Đính – Trưởng ban biên soạn Quyển 35 phát biểu tại hội thảo
Theo đề án, chương trình biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam sẽ được thực hiện trong 5 năm (2017-2021). Kế hoạch năm 2017 là các Ban biên soạn hoàn thành xây dựng đề cương quyển chuyên ngành và nội dung cơ bản của đề cương là cấu trúc vĩ mô – xây dựng Bảng mục từ của quyển chuyên ngành.
GS.TS. Nguyễn Văn Đính – Trưởng ban biên soạn Quyển 35 nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam biên soạn Bộ BKTT nói chung và Bách khoa toàn thư về du lịch nói riêng. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn nhà khoa học đã được mời tham gia biên soạn. Riêng Quyển 35 đã có gần 20 nhà khoa học trực tiếp tham gia, ngoài ra còn có sự tham gia góp ý của nhiều nhà khoa học và chuyên gia khác.
Tại hội thảo, Ban Biên soạn BKTT Du lịch Việt Nam chia sẻ với các đại biểu về các tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế để biên soạn BKTT, các nội dung cơ bản trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, sản phẩm du lịch, chính sách phát triển du lịch, các loại hình kinh doanh du lịch, công tác quản lý, xúc tiến và các hoạt động khác của Ngành. Cho đến hiện tại, Ban Biên soạn đã xây dựng 1395 mục từ trên cơ sở 52 chuyên mục trong cấu trúc vĩ mô của BKTT Du lịch Việt Nam kèm theo 5 Phụ lục với 2007 mục từ tham khảo.
Tin, ảnh: Thu Thủy