Ninh Thuận vốn có bề dày văn hóa và điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, nhưng do kẹp giữa tam giác Đà Lạt – Phan Thiết – Nha Trang, nên được biết đến khá muộn màng. Bù lại, ở đó còn những khung cảnh thiên nhiên nguyên vẹn và nhiều nét độc đáo mà du khách không phải tốn tiền vào cổng.
Đầu tiên phải kể đến hai làng nghề truyền thống lâu đời của người Chăm là gốm Bàu Trúc và dệt Mỹ Nghiệp, nằm cách trung tâm thành phố hơn 10 cây số. Đó là hai làng cổ. Buổi sáng, làng nghề nhộn nhịp. Người trộn và nện đất, tạo nguyên liệu làm gốm. Người ngồi bên khung cửi, dệt những tấm thổ cẩm mang sắc màu đặc trưng. Ở đây, du khách thoải mái đi hết nhà này đến nhà nọ để trò chuyện và tìm hiểu về nghề truyền thống lâu đời này. Người dân rất hiếu khách. Thoải mái trò chuyện mà không kỳ kèo du khách phải mua thứ này, thứ kia của nhà. Bởi sản phẩm của làng hiện đang rất đắt khách, dùng làm đồ trang trí ở các resort sang trọng, nhà hàng, khu du lịch… trên cả nước. Không cần bán lẻ nhưng chủ nhà vẫn hiếu khách, đón tiếp niềm nở dù có khi khách chẳng tiêu một đồng nào ở làng mình. Nhưng đó là cách quảng bá tuyệt vời cho làng nghề.
Bên cạnh bờ biển dài trên một trăm cây số, Ninh Thuận còn có rạn san hô cổ kéo dài hàng chục cây số chìm, nổi dọc theo bờ biển. Trong đó, bãi san hô cổ khổng lồ ở Mỹ Hiệp và Mỹ Tân là điểm khám phá miễn phí thú vị. Ở đó, có những khối san hô rộng đến vài ngàn mét vuông nằm trơ trọi trên mặt biển. Bên dưới con sóng bạc đầu cao hàng mét là bãi san hô chìm bị tác động bởi sóng biển hàng triệu năm tạo nên diện mạo độc đáo, hiếm có trên thế giới. Đây là điểm tham quan, chụp ảnh cưới và săn ảnh, câu cá lý tưởng.
Gần Mỹ Tân là khu lướt ván diều, ván buồm. Khách có thể xem biểu diễn miễn phí hay vượt qua sa mạc rộng khoảng một cây số ở cách trung tâm thành phố chừng 30 cây số, là bãi biển Mũi Dinh hoang sơ và ngọn hải đăng hiểm trở tiếp nối hải đăng Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Kê Gà (Bình Thuận) trên hải trình ven biển Việt Nam.