Trích Sài - nét văn hóa truyền thống Hà thành
Cập nhật: 14/08/2009
Trích Sài xưa kia được gọi là phường Trích Sài, thuộc vùng Kẻ Bưởi - một vùng đất gắn với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

Vào thời nhà Lý, Kẻ Bưởi thuộc vùng ngoại thành Thăng Long nằm trong phủ Ứng Thiên. Sang thời nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ 4 (1805), phường Trích Sài thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức; từ năm Minh Mạng 12 (1831) các phủ, tổng, huyện này thuộc tỉnh Hà Nội. Trải qua nhiều sự thay đổi, Trích Sài ngày nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Trích Sài nguyên nghĩa tiếng Hán là đốn củi. Tương truyền, trước đây núi Long Đỗ nằm ven hồ Dâm Đàm – Đầm mù sương (hồ Tây ngày nay) thuộc địa phận phường Trích Sài. Thủa đó, hồ Dâm Đàm có một khu rừng rậm bao quanh với nhiều loại gỗ quý hiếm như: lim, sến… và có nhiều loài thú trú ngụ, trong đó có loài cáo 9 đuôi. Người dân phường Trích Sài hàng ngày thường tới đây vừa kiếm củi, săn bắn trong rừng vừa đánh cá, cào ốc, bắt trai, hến dưới hồ nhưng thường bị loài cáo chín đuôi quấy nhiễu, hãm hại, vì vậy nhân dân ở đây rất căm ghét nó nhưng không làm gì được. Bỗng một hôm, hai công chúa con vua Lý Nam Đế là Vạn Phúc và Vạn Lộc đến núi Long Đỗ dạo chơi, nghe nhân dân ở đây kể sự tình có loài cáo chín đuôi chuyên hại người, hai nàng bèn lập đàn trừ cáo giúp dân lành. Tuy nhiên, vì pháp thuật của hai nàng chưa cao, nên không trừ được cáo. Hai nàng bèn mời một người có pháp thuật cao hơn, đó là Vạn Thọ phu nhân tới lập đàn trừ cáo. Khi bà cùng hai công chúa vừa dứt lời cầu khấn, gió bão nổi lên và loài cáo cúp đuôi chạy hết khỏi khu rừng, song bà Vạn Thọ phu nhân cũng hóa thân theo giông bão. Biết tin, vua Lý Nam Đế cho lập đền thờ bà, gọi là Kim Mẫu hóa thân. Khi hai công chúa con vua Lý Nam Đế hóa thân, đền thờ cả ba bà.

Cùng với các phường An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu thuộc vùng Kẻ Bưởi, phường Trích Sài nổi tiếng với nghề dệt lĩnh truyền thống - dùng may quan phục trong triều và hoàng tộc. Theo truyền thuyết, thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), nhà vua cho một cung nữ gốc Chàm là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 thị tỳ ra ở phường Trích Sài lập trang Thiên Niên. Bà Ngọc Đô đem kỹ thuật dệt lĩnh cổ truyền của người Chàm truyền lại cho dân trong phường, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm. Lĩnh của phường Trích Sài và lĩnh của những phường khác thuộc vùng Kẻ Bưởi dệt ra được gọi là lĩnh Bưởi. Lĩnh Bưởi mềm mại, bền đẹp, tôn thêm vẻ phong nhã, dịu dàng của người phụ nữ.

Lĩnh hoa vùng Bưởi nổi tiếng khắp nơi, không chỉ phục vụ người dân kinh thành Thăng Long mà còn bán ra nước ngoài. Vì thế người ta mới đúc kết:

"The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên"

 

Ngày nay, tuy nghề dệt lĩnh không còn nữa nhưng người ta vẫn ghi nhớ một nghề thủ công danh tiếng một thời của vùng đất bên bờ hồ Tây.

Làng Trích Sài hiện vẫn lưu giữ nhiều kiến trúc cổ đặc trưng của mảnh đất ven kinh thành Thăng Long xưa như:

- Đền Phúc Lộc Thọ hay còn gọi là đền Ba Bà Chúa, am Gia Hội, am Trích Sài. Đền nằm cạnh đình làng Trích Sài. Đền thờ hai vị công chúa là Vạn Phúc, Vạn Lộc (hai người con vua Lý Nam Đế) và Vạn Thọ phu nhân - người có pháp thuật cao, đã lập đàn trừ diệt loài cáo chín đuôi chuyên hại người giúp dân lành.

                  Đền Phúc Lộc Thọ                     Đình Trích Sài

- Đình làng Trích Sài: Đình thờ ông Mục Thận có công cứu vua Lý Nhân Tông thoát khỏi âm mưu hãm hại của Thái sư Lê Văn Thịnh trong một lần nhà vua đi du ngoạn hồ Dâm Đàm. Cứ đến ngày 6/9 âm lịch hàng năm, nhân dân lại tổ chức lễ giỗ ông Mục Thận.

- Miếu thờ bà tổ nghề dệt Phan Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông và các tỳ nữ.

- Văn chỉ là nơi sinh hoạt của các cụ đồ nho xưa.

                   Một góc chùa Thiên Niên

- Chùa Thiên Niên - di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một ngôi chùa nằm trong Trang Thiên Niên. Tương truyền, vua Lê Thánh Tông đã trích một nửa số ruộng đất của phường Trích Sài cấp cho các cung phi hưởng hoa lợi, dần dần thành một trang, có tên gọi Trang Thiên Niên” (ý nói là nơi các cung phi được hưởng lộc lâu dài). Các cung phi đã lập ra ngôi chùa Thiên Niên. Đến đầu thời Minh Mạng (1820-1841), Trang Thiên Niên nhập vào phường Trích Sài.

- Một số kiến trúc nhà cổ, tiêu biểu là ngôi nhà cổ của gia đình ông Nguyễn An Thuế. Đây là một ngôi nhà cổ 5 gian tương đối nguyên vẹn, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Giữa một không gian toàn nhà bê tông, nhà cổ ông Nguyễn An Thuế không những không lạc lõng mà giống như một điểm nhấn khiến nhiều người đi qua đều muốn ghé thăm. Nếu đến đây vào thời điểm tiết trời nóng nực, du khách sẽ cảm nhận được không gian mát mẻ, thoáng đãng với cách bài trí cảnh quan rất hài hòa, tinh tế: có sân, có vườn, cỏ cây, hoa lá, chim muông, hòn non bộ, nhà ngang, nhà thờ, gian dệt cửi thủa xưa… nổi bật trong đó là gian thờ cúng gia tiên rất đẹp và mang đậm văn hóa truyền thống Hà thành.

Hiện nay, các di tích của làng đều đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá, xếp hạng và tổ chức trùng tu hưởng ứng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Làng cổ Trích Sài không chỉ là mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử, nhân dân nơi đây còn có truyền thống yêu nước, thương nòi, kiên cường đấu tranh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân làng Trích Sài tự hào có ông Phùng Xuất Nghĩa, vị thủ lĩnh của đội quân trong phong trào chống Pháp. Cụ Nguyễn Hoàng Tôn, tham gia hoạt động cách mạng ngay từ đầu những năm 30, bị kết án tử hình khi bị giặc Pháp bắt. Hiện nay, tên cụ vẫn được ghi danh ở Nhà tù Hỏa Lò và được đặt tên cho một con đường ở quận Tây Hồ.

Đến Trích Sài hôm nay, trong bầu không khí sôi động của cuộc sống hiện đại, ngoài việc du khách được chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ kính, nghe những câu chuyện xa xưa, du khách còn có dịp được tham quan, ngắm cảnh và du thuyền quanh Hồ Tây – một điểm du lịch nằm bên cạnh làng cổ Trích Sài.

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng hợp)