Trở lại Ngã ba Đồng Lộc những ngày tháng bảy
Cập nhật: 26/07/2009
Về thăm Ngã ba Đồng Lộc vào những ngày tháng 7, ai ai cũng bồi hồi xúc động cho dù có người đã đến đây nhiều lần. Ngã ba Đồng Lộc và tên của 10 cô gái đã đi vào huyền thoại, vào trang sử vàng truyền thống của dân tộc. Khu di tích này được đánh giá là chứng tích lịch sử có giá trị to lớn, là bản anh hùng ca của tuổi trẻ Việt Nam.

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc có tổng diện tích 50 ha, nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, mặt đường giống như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lăn xuống đường làm cản trở giao thông. Ngã ba Đồng Lộc được coi như điểm nút cổ chai, vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào miền Nam. Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược nên trong chiến tranh phá hoại kẻ địch âm mưu ném bom hủy diệt nhằm cắt đứt sự chi viện sức người, sức của,... của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

 

Khu vực này được coi là “túi bom” khi chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968 không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Cũng tại nơi đây, 41 năm về trước, hồi 17h ngày 24-7-1968, Tiểu đội 4 thanh niên xung phong gồm 10 cô gái trẻ, tuổi từ 17 đến 22 được lệnh ra Ngã ba Đồng Lộc san lấp hố bom và sửa chữa đường để cho xe vượt qua đoạn đường độc đạo này. Bỗng một tốp máy bay phản lực bất thình lình quay lại sau một vài giây và ào ạt trút bom.

 

Sau trận oanh tạc, chỉ còn một hố bom sâu hoắm. Không nghe thấy một tiếng người. Cả 10 cô gái đã hy sinh. Ngày 7-6-1972, các chị đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tiểu đội 4 hôm ấy có 10 cô gái trẻ gồm: Võ Thị Tần, 22 tuổi, tiểu đội trưởng; Hồ Thị Cúc, 21 tuổi, tiểu đội phó cùng 8 chiến sỹ: Võ Thị Hợi, 20 tuổi; Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi; Dương Thị Xuân, 19 tuổi; Trần Thị Rạng 19 tuổi; Hà Thị Xanh,18 tuổi; Nguyễn Thị Nhỏ, 19 tuổi; Võ Thị Hạ, 19 tuổi; Trần Thị Hường, 17 tuổi.

 

Với truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", hàng ngày có rất nhiều đoàn các cơ quan, ban ngành về đây thắp nhang tưởng nhớ 10 cô gái trẻ đã hy sinh anh dũng. Nhiều cây xanh mang tên của các cơ quan đơn vị đã được trồng quanh khu vực. Ngã ba Đồng Lộc bây giờ bốn mùa xanh tươi, ngày đêm rì rào tiếng gió thổi.

 

Khu tưởng niệm, Nhà truyền thống, Tượng đài Chiến thắng đã được xây dựng khang trang hiện đại. Trong khu di tích có một tháp chuông được xây dựng trên đỉnh của ngọn đồi phía Đông. Tiếng chuông mỗi sớm mỗi chiều ngân vọng như để nhớ về một thời máu lửa, hào hùng của dân tộc.

 

Một cụm tượng đài đang được xây dựng tại chân núi Lưỡi Mác, phía dưới tháp chuông dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Cụm tượng này phản ánh sinh động cảnh 10 nữ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ thông xe. Gương mặt các nữ thanh niên xung phong căn cứ vào các di ảnh của 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại đây.


Trở lại Ngã ba Đồng Lộc những ngày tháng 7, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ hàng năm là lựa chọn của nhiều người với tâm niệm  xin được thắp nén nhang tỏ lòng nhớ ơn những người con gái, con trai, mãi mãi tuổi thanh xuân, trong đó có 10 nữ Anh hùng TNXP.

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng hợp)