Về thương cảng Vân Đồn dự hội chèo bơi làng Vân Hải
Cập nhật: 06/08/2009
Rời Hạ Long, con tàu khách vượt gần 60km, qua vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, sẽ đưa du khách về đến Vân Hải. Mới đầu tháng 6 Âm lịch mà không khí lễ hội đã nhộn nhịp, đâu đâu cũng chuyện hội làng.

Những ngày này, các cụ cao niên trong làng thường ôn lại cho con cháu những sự kiện lịch sử trên mảnh đất đã gắn với lịch sử dân tộc này, đặc biệt là sự kiện vua Lý Anh Tông lập thương cảng Vân Đồn năm 1149 ở Vụng cái làng và thuỷ chiến trận Vân Đồn diệt đoàn tiếp viện lương thực, khí giới của giặc Nguyên Mông năm 1288.

                         Đình Quan Lạn

Các di tích ở Vân Hải ngày nay vẫn còn nhiều, rất quy mô, hoành tráng. Tiêu biểu là Đình Quan Lạn, một trong hai ngôi đình lớn nhất vùng Đông Bắc với những cây cột bằng gỗ mần lái to 2 người ôm, bền hơn cả bê tông, sắt thép, trên đó là nghệ thuật kiến trúc có từ thời Lê, nhiều chạm khắc tinh xảo… Ngoài ngôi đình cổ, làng Quan Lạn còn có chùa, đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, Đền thờ ba anh em danh tướng họ Phạm. Hệ thống đình, chùa, đền, miếu - cụm kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng khá hoàn chỉnh của làng đảo Quan Lạn, được rời chuyển cùng với việc dời làng từ vụng Cái Làng (Cảng cổ Vân Đồn) về nơi ở hiện nay. Đây là di sản phần nổi, phần của làng. Còn những di sản quý hơn - mang tầm quốc gia gửi lại vụng Cái Làng, nơi thương cảng cổ bao thế kỷ giao thương sầm uất, nơi từng đón tầu buôn Á - Âu vào ra buôn bán sản vật. Thương cảng tồn tại cho đến cuối thời Lê - đầu triều Nguyễn. Hiện nay, cả chiều dài bến cảng, mảnh vỡ của gốm sứ có chỗ dày tới 50cm, dân trên đảo tìm thấy và cất giữ nhiều hiện vật quý gồm đồ gốm, sứ các thời Lý - Trần, đồ trang sức bằng bạc, đồ kim khí, tiền cổ...

Đi sâu vào bến cảng cổ là dấu vết của nền nhà, bến tàu, miếu thờ... Vẫn nguyên vẹn nơi đây dấu vết một bến cảng buôn bán sầm uất xưa. Bên cây cối um tùm, đâu đó vẫn vài nóc nhà đứng giữa hoang sơ. Họ là người Cái Làng Quan Lạn không chịu về làng mới, mà ở lại đây với hoài niệm...

Thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 20, đặc biệt vào tháng 8 năm 2003, các nhà khảo cổ Việt Nam, khảo cổ Việt Nhật - Việt Pháp... đã về nghiên cứu, khảo sát, khai quật, tổ chức nhiều hội thảo để xác định vị trí trung tâm thương cảng. Từ đó, cảng cổ Cái Làng như được sống dậy.

                      Một góc đảo Quan Lạn

Người quê Quan Lạn, trước khi đi làm ăn xa không bao giờ quên ra Đình, ra Miếu thắp hương, cầu khấn tổ tiên phù hộ độ trì. Bao giờ cũng vậy, một ngày trước ngày “khoá làng”, dân Quan Lạn dù xa xôi đến mấy cũng tụ về đông đủ. Ngày 10 tháng 6 âm lịch, làng kéo cờ khoá làng, báo hiệu hội làng bắt đầu, thông báo không ai được đi khỏi làng trong 10 ngày hội. Từ ngày đó trở đi làng phân chia làm hai giáp, Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, hai giáp tự chấm quân phông tướng. Từ ngày 12 đến ngày 15 quân sỹ hai bên tập luyện. Phần lễ cũng rất sôi động, các đội tế khắp nơi trong huyện Vân Đồn, trong tỉnh có mặt từ rất sớm theo thứ tự để vào lễ, tế thần tại ngôi chùa làng. Ngày 16 tháng 6 âm lịch, buổi sáng hai bên tướng quân Văn Võ tập trung ngoài đình làng cùng các vị chức sắc, đông đảo các cụ ông, cụ bà, các tăng ni phật tử , du khách khắp nơi về dự hội làm lễ rước kiệu từ đền thờ Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, đòn rước kiệu kéo dài hàng cây số, lên đến đền thờ Trần Khánh Dư tế lễ xin âm dương, rước chân linh cụ ra kiệu. Vì thế ngày 16 tháng 6 âm lịch là ngày đặc biệt quan trọng. Ngày 17 tháng 6 âm, hai bên tướng quân dựng doanh trại đóng quân, chuẩn bị hậu cần phục vụ cho ngày 18. Đêm đó cả làng không ngủ, trẻ, già, gái, trai mong đến canh 2 dự tiếng trống thu quân ở trung tâm và 2 doanh trại Văn, Võ. Tảng sáng, tại đền Đức ông người đã đông nghịt để đón hai bên tướng quân văn, võ ra lễ thần nhận binh khí. Hai tướng lực lưỡng to cao, đi sau là hàng quân mỗi bên tới trăm người, trống cồng, phèng la âm thanh từ hai doanh trại kéo ra trung tâm, sau một giờ làm thủ tục, tướng quân hai bên trút bỏ quần áo dân binh, thay trang phục áo mũ ra trận, quân lính nhận dầm chèo, lọng, tàu, long đao, tướng trong trang phục Võ đời Trần với thanh kiếm hơn một mét dẫn quân về doanh trại chờ lệnh xuất quân. 14h30 cùng ngày lệnh trung tâm phát ra, hai đạo quân - Võ từ ngoài vào trong, Văn từ trong ra ngoài diễu hành, vào sân đền Đức ông lượn 3 vòng tròn khép kín. Nghe xong điều lệ thi đấu, hai tướng thắp hương thần đưa quân xuống thuyền rồng. Cuộc đua tài dưới biển diễn ra thật sôi động, hai thuyền rồng nghiêng ngả với sóng gió biển, những tay chèo cắm mình dồn sức theo nhịp còi của người chỉ huy. Mặc sóng, mặc gió, hai thuyền đua vẫn băng băng...

             Lễ hội chèo bơi đình Quan Lạn

Trong cuộc thi đấu dưới biển có đoạn hai tướng đứng trước mũi thuyền rồng rao cho bàn dân thiên hạ, cho quân sĩ biết lý do ngày hội, lời rao không quên nhắc nhở mọi người trên làng đảo thờ 5 vị nhân thần, lời rao cũng cầu mong thần thánh, các vị bách linh phù hộ độ trì cho dân làng khoẻ mạnh, cho đất nước bình an. Lời rao có đoạn: Sông Mang xưa sóng nổi gương khua giáo dậy / Núi biển mai trống thúc quân reo / Đập tan mộng xâm lăng của kẻ thù xâm lược / Cho Vân Đồn sáng ngời mãi mãi/ Cho quê ta bốn mùa nở hoa kết trái...

Sáng 19 tháng 6, hai bên tướng quân cùng dân làng tập trung tại Đình tổ chức xa giá hoàn cung, đưa chân linh Trần Khánh Dư về đền thờ. Việc tổ chức xa giá hoàn cung cũng không kém phần long trọng, diễn ra trang nghiêm và trọng vọng như ngày 16 tháng 6. Cùng ngày, các cụ già trên đảo kết hợp với tăng ni phật tử tổ chức lễ cầu bình, hoá vàng đốt thuyền chiến với gạo, muối, đơm cháo cúng chúng sinh, kết thúc 10 ngày hội làng. Buổi chiều các gia đình trên làng đảo đều có một mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Lễ hội Vân Đồn hàng năm diễn ra tại trung tâm làng đảo Quan Lạn, ôn lại chiến công oanh liệt của tổ tiên trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ngày hội hàng năm cũng là chỗ dựa tinh thần của người dân làng đảo Quan Lạn, gắn liền với mảnh đất, con người nơi đây, thể hiện nền văn hoá đặc trưng vùng biển đảo.

Gần 900 năm định cư và phát triển, Quan Lạn Vân Hải trải qua bao thăng trầm, vẫn đứng vững trên đầu sóng ngọn gió, vượt qua mọi cam go thử thách, để ngày nay có một Quan Lạn giàu đẹp - tấm phên đậu vững chắc trên vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch