Chợ nổi Trà Ôn - nét đẹp giao thương vùng sông nước
Cập nhật: 04/08/2009
Trà Ôn - một trong những vùng đất cây lành, trái ngọt của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) thơ mộng.

Trên bờ là những khu vườn, những dãy cù lao cây xanh trái ngọt, dưới sông tàu ghe chờ đón để mang những sản vật của vùng đất phù sa đến với mọi miền đất nước.

Thuyền đi, ghe lại, không biết từ bao giờ đã xuất hiện một khu chợ trên sông, mà người ta quen gọi là chợ nổi Trà Ôn.

Chợ nổi Trà Ôn thuộc huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Chợ nổi là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng ở một số tỉnh của khu vực Tây Nam bộ như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau... nhưng trong trí nhớ nhiều người, chợ nổi Trà Ôn là một trong những khu chợ tồn tại lâu đời và gắn với nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người dân trong khu vực.

Bà Ngô Thị Hường, 77 tuổi, ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Không ai rõ chợ nổi Trà Ôn có từ khi nào, nhưng từ lúc tôi mới 12, 13 tuổi đã nhiều lần đi qua chợ này. Chợ nổi Trà Ôn thuở ấy là nơi trú đêm an toàn cho những bạn ghe đi cắt lúa ở miệt Ngã Năm, Ngã Bảy, Ba Xuyên (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau bây giờ)”. Đây cũng là dịp trai gái tụ tập hát hò đối đáp để quên đi những nhọc nhằn của cuộc mưu sinh vất vả. Cứ thế, chợ nổi Trà Ôn tồn tại và phục vụ người dân cho tới ngày nay. Đây là chợ nổi cuối cùng trên sông Hậu trước khi đổ ra biển. Chợ nằm ngay giữa ngã ba sông Hậu và sông Măng Thít. Chợ nổi Trà Ôn còn mang tính chất của chợ đầu mối, sản vật ở đây chủ yếu là dừa, chuối, ổi, dứa, cam sành, cốc, bưởi, mít...

Hàng ngày, các loại nông sản tươi nguyên được nhà vườn phân phối cho ghe buôn theo dạng bán sỉ. Chợ nổi Trà Ôn hoạt động cả ngày và đông nhất là vào buổi sáng. Nét đẹp của chợ nổi là những mái chèo khoan thai, chở đầy nông sản đến với các ghe buôn. Mặc cho con nước bồng bềnh, sinh hoạt chợ búa vẫn xôn xao, tấp nập. Sau nhiều ngày thu mua, các ghe rời chợ với những khoang chở đầy hàng nông sản và nhanh chóng bắt đầu chu kỳ mới trên khu chợ nổi. Cây trái bốn mùa, ghe đi, ghe tới, cứ thế chợ nổi vẫn hoạt động liên tục, tô điểm thêm nét hấp dẫn cho thị trấn Trà Ôn thơ mộng.

Ở chợ nổi Trà Ôn, ngoài hoạt động chợ búa còn có cuộc sống gia đình, hàng xóm. Dễ thấy ở đây là sự niềm nở, nhiệt tình của những người làm bạn cùng sông nước. Cuộc sống thương hồ lênh đênh đây đó, làm cho mọi người trở nên thân thiết, gắn bó với nhau hơn. Chị Lê Thị Của, một chủ ghe cho biết: “Vợ chồng tôi đi ghe trái cây hơn 10 năm nay, tứ xứ về đây chẳng ai biết ai nhưng mọi người đều gắn bó để cùng nhau sống với nghề”. Chợ nổi Trà Ôn đã đi vào cuộc sống, đi vào lòng người một cách bình dị, chân thành như thế. Chợ nổi Trà Ôn từ lâu đã trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của khu vực ĐBSCL nói chung và huyện Trà Ôn nói riêng. Nhưng, bến chợ nổi Trà Ôn ngày một vắng khách, không phải vì cạn kiệt mặt hàng nông sản, mà nhiều người bất mãn vì nạn trộm cướp hoành hành, thêm vào đó là vấn đề quy hoạch bến bãi chưa thật hợp lý.

Chợ nổi trên sông - một trong những nét văn hóa đặc trưng của vùng ĐBSCL nói riêng và chung trên cả nước, cần được bảo tồn và phát huy. Có dịp ghé lại Trà Ôn, du khách phương xa vẫn mong được ngắm một chợ nổi Trà Ôn quyến rũ như nó từng có.
Quê Hương Online